Mới đây, Rhodium Group đã công bố báo cáo nghiên cứu về giá xe Trung Quốc, cho thấy các hãng xe Trung Quốc có thể thu về mức lợi nhuận rất cao khi bán tại châu Âu. Báo cáo này được công bố trong bối cảnh Ủy ban châu ÂU (European Commission - EC) hôm 12/6 đã quyết định tăng thuế lên ô tô điện của một vài thương hiệu Trung Quốc.
Quyết định của EC được đưa ra sau nhiều tháng nghiên cứu, cho rằng các hãng xe Trung Quốc đã được nhận hỗ trợ, giúp nâng cao ưu thế khi cạnh tranh với các hãng xe châu Âu. Do vậy, phía châu Âu tăng thêm thuế để bảo vệ ngành công nghiệp của khu vực.
Mức thuế mà EC đưa ra là không đồng nhất giữa các hãng xe, thấp nhất là 17,4% đến cao nhất là 38,1%. Mức thuế này tăng thêm trên nền thuế 10% đã có.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của Rhodium Group cho thấy rằng mức thuế mới này dường như không đủ để ngăn chặn ô tô Trung Quốc tiến bước sâu vào châu Âu.
Cụ thể, báo cáo của Rhodium Group cho rằng với mức thuế 30% tăng thêm cho BYD Seal U vẫn giúp BYD có lợi nhuận cao hơn khoảng 15% so với lợi nhuận mà hãng thu được tại Trung Quốc. 15% lợi nhuận chênh lệch này, theo Rhodium Group, tương ứng với 5.080 USD, tức gần 130 triệu đồng. Mức lợi nhuận lớn này được cho là điều khiến châu Âu trở thành "mỏ vàng" trong mắt các hãng xe Trung Quốc.
Tuy nhiên, áp thuế lên xe Trung Quốc chưa chắc đã mang lại hiệu ứng tích cực. Một phỏng đoán cho rằng đây sẽ được coi là một cái cớ để các hãng xe Trung Quốc giảm giá sâu hơn nữa, từ đó chiếm được thêm thị phần.
Thêm vào đó, nhiều hãng xe châu Âu cũng đang... nhập xe sản xuất tại Trung Quốc về bán ở châu Âu. Tiêu biểu như BMW, hãng đang cho sản xuất mẫu iX3 tại Trung Quốc rồi nhập khẩu vào châu Âu để bán; điều này khiến cho iX3 bị áp thêm 9% thuế.
Tăng thuế cũng đồng nghĩa kế hoạch sản xuất xe tại Trung Quốc để bán ở châu Âu của các hãng như Tesla, Volkswagen, Honda... có thể phá sản. Hiện nay, nhiều hãng muốn sản xuất xe tại Trung Quốc vì chi phí sản xuất tại đây có khả năng thấp hơn so với chi phí tại châu Âu.
Kết quả nghiên cứu mà Rhodium Group đăng tải có bảng so sánh về giá bán một số mẫu xe điện tại Trung Quốc và Đức, trong đó có thể hiện mức chênh giá tại hai thị trường này. Theo đó, mẫu xe điện gầm cao ID.4 của Volkswagen có mức chênh thấp nhất, gần 50%; trong khi đó, Atto 3 phiên bản Comfort của BYD có mức chênh lớn nhất, lên tới 112%.
Trên thực tế, dù Volkswagen ID.4 được ghi chú có giá tương đương 31.011 euro tại Trung Quốc, nhưng trên thực tế theo CarNewsChina ghi nhận thì khách hàng còn có thể mua với giá thấp hơn, chỉ khoảng 23.400 euro.
Nghiên cứu của Rhodium Group cũng mô phỏng các chi phí đặt lên một mẫu xe từ Trung Quốc khi nhập vào châu Âu, cho thấy mức lợi nhuận rất lớn mà hãng xe Trung Quốc có thể thu được.
Theo nghiên cứu, trong khi chi phí sản xuất mẫu BYD Seal U tại Trung Quốc chỉ là 20.463 euro, nhưng mức giá bán tại Đức lên tới 41.990 euro, tức cao gấp khoảng 2 lần. Như biểu đồ trên, có thể thấy rằng giá bán tại Đức đội lên chủ yếu do một khoản lợi nhuận tăng thêm, lên tới gần 13.000 euro.
Một trong những điều quan trọng khiến mức giá có thể chênh lệch nhiều tới vậy là chi phí sản xuất thấp. Các hãng xe Trung Quốc đã và đang phải tồn tại ở một thị trường có mức độ cạnh tranh rất lớn, thúc đẩy các nhà sản xuất tìm mọi cách để cắt giảm chi phí sản xuất.
Trong nghiên cứu khác do Caresoft Global Technologies (Mỹ) thực hiện, các kỹ sư đã tháo tung một mẫu xe của Trung Quốc để tìm hiểu xe điều gì khiến cho chi phí sản xuất thấp. Caresoft đã kết luận ra 4 điều: Sử dụng chung tối đa linh kiện, tích hợp dọc (tức là mua lại nhà cung cấp), chi phí nhân công rẻ, và áp dụng phương thức sản xuất tối tân như Gigacasting.
Với BYD, công ty này không chỉ sản xuất xe mà còn tự phát triển mô tơ điện, tàu thủy vận chuyển xe, thậm chí là cả mỏ khai thác liti để tự làm pin cho ô tô điện. Những sản phẩm mà BYD có thể tự làm nhiều khả năng sẽ có giá thấp hơn so với mua ngoài.