Các cuộc biểu tình đã rung chuyển Iran trong 2 ngày thứ 7, Chủ nhật tuần trước - sau khi quân đội nước này thừa nhận "bắn nhầm" chiếc máy bay dân sự của Ukraine, khiến toàn bộ 176 người trên máy bay thiệt mạng, theo Reuters.
Trong bối cảnh Iran đang hết sức căng thẳng vì lo sợ các đòn không kích của Mỹ, các cuộc biểu tình lại càng gây áp lực lớn hơn đối với giới lãnh đạo nước này.
"Họ nói dối chúng ta rằng kẻ thù của đất nước là Mỹ, thực tế kẻ thù của chúng ta đang ở ngay đây", một nhóm người biểu tình phía bên ngoài một trường đại học ở Tehran bày tỏ sự phẫn nộ - theo các đoạn video được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội Twitter.
Những hình ảnh và video đăng tải trên truyền thông và mạng xã hội cho thấy hàng ngàn người dân tại thủ đô Tehran đã xuống đường cùng lời kêu gọi Đại Giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei từ chức sau vụ máy bay Ukraine bị bắn rơi.
"Hãy xin lỗi và từ chức", tờ nhật báo ôn hòa Etemad viết trên trang chủ của mình hôm 12/1 vừa qua để ủng hộ phong trào biểu tình. "Người dân yêu cầu" những người có trách nhiệm trong vụ bắn hạ máy bay Ukraine phải từ chức, tờ báo viết.
Được biết, không chỉ ở Tehran, các cuộc biểu tình cũng nổ ra tại những thành phố khác của nước này.
Những người biểu tình Iran tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trên chiếc máy bay dân sự của Ukraine. Ảnh: Getty
Các cuộc biểu tình và sự phẫn nộ của người dân đã khiến chính quyền Iran càng thêm áp lực, khi nền kinh tế vốn đã thiệt hại nặng nề vừa phải hứng chịu thêm những đòn cấm vận mới của Mỹ.
Tháng 11/2019, khi các cuộc biểu tình nổ ra vì giá xăng tăng vọt - thời điểm được đánh giá là tồi tệ nhất trong vòng 40 năm qua tại Iran - chính quyền đã trấn áp đẫm máu các cuộc biểu tình của người dân. Khoảng 1.500 người đã thiệt mạng chỉ trong vòng 2 tuần bất ổn, theo 3 quan chức Bộ Nội vụ của Iran. Tuy nhiên, phía Tehran đã bác bỏ thông tin này.
Trước làn sóng biểu tình mới ở Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng lên Twitter lời kêu gọi và cảnh báo: "Gửi tới các lãnh đạo của Iran - ĐỪNG SÁT HẠI NHỮNG NGƯỜI BIỂU TÌNH. Hàng ngàn người đã bị các ông sát hại hoặc giam giữ, và cả thế giới đang theo dõi hành động của các ông đấy".
"Kẻ thù" của Iran muốn báo thù
Chiếc máy bay của hãng hàng không quốc tế Ukraine đã bị bắn rơi chỉ vài phút sau khi cất cánh từ Tehran hôm thứ 4 tuần trước. Rất nhiều người có mặt trên chiếc máy bay này là người Iran có hai quốc tịch, và có 57 người có hộ chiếu Canada.
Vụ việc này diễn ra khi các lực lượng của Iran đang được đặt trong trạng thái báo động cao trước những lời đe dọa về các đòn không kích trả đũa của Mỹ.
Hôm 3/1, một chiếc máy bay không người lái của Mỹ đã tiến hành không kích nhằm vào sân bay quốc tế Iraq, sát hại Tướng Qasem Soleimani - Tư lệnh lực lượng Quds thuộc IRGC. Tehran sau đó đã đáp trả bằng những đòn không kích nhằm vào các mục tiêu của Mỹ tại Iraq.
Phía Mỹ không có thương vong sau đòn tấn công của Iran, nhưng trong vòng vài giờ căng thẳng sau đó, một chiếc Boeing 737 của Ukraine đã bị trúng tên lửa do phía Tehran "bắn nhầm".
Người Iran biểu tình. Ảnh: Getty
Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã gọi vụ máy bay Ukraine bị bắn rơi là "sai lầm khủng khiếp" và đưa ra lời xin lỗi. Tuy nhiên, một Tư lệnh cấp cao của IRGC lại khiến công chúng phẫn nộ khi tiết lộ rằng ông này đã thông báo với các lãnh đạo trong ngày máy bay Ukraine trúng tên lửa.
Trong một tuyên bố sau đó, Tổng Tư lệnh Hossein Salami đã khẳng định rằng nước này "cảm thấy buồn hơi bất cứ ai vì vụ việc", theo truyền thông địa phương. Nhưng các "kẻ thù" của Iran - Washington và các đồng minh - được cho là đang cố đào sâu vào vụ máy bay Ukraine bị "bắn nhầm".
"Những kẻ thù của Iran đang muốn trả thù IRGC vì sai lầm của họ", ông Ali Shirazi, người phát ngôn của Đại Giáo chủ Khamenei trong lực lượng Quds, cho biết.
Các cuộc biểu tình "phủ bóng" cái chết của Tướng Soleimani
Đối với Iran, thảm họa máy bay là đòn giáng mạnh thứ 2 vào nước này sau cái chết của Tướng Soleimani.
Trước đó, cả nước Iran vừa để quốc tang 3 ngày, với hàng trăm ngàn người đã tập trung trên những đoạn đường đưa linh cữu của ông Soleimani về nơi an nghỉ. Chính quyền địa phương đã gọi đây là hành động cho thấy sự đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, sự đoàn kết này đã nhanh chóng biến thành sự chia rẽ sau cái chết của 176 người trên máy bay dân sự Ukraine.
Theo hãng tin Fars News của Ukraine, những tấm ảnh Tướng Soleimani đã bị người biểu tình xé rách, thay vào đó là những khẩu hiệu yêu cầu Đại Giáo chủ từ chức, hay chỉ trích chính quyền Tehran là "giả dối".
Trong khi cả Washington và Tehran đều có một số động thái xuống thang giữa tình hình căng thẳng, thì hôm Chủ nhật vừa qua, lãnh đạo lực lượng Hezbollah của Lebanon lại kêu gọi các đồng minh của Tehran chuẩn bị trả thù cho cái chết của Tướng Soleimani.
Chiến dịch trả thù sẽ được tiến hành "trong vài ngày tới, hoặc vài tuần, vài tháng tới", ông Sayyed Hassan Nasrallah - người đứng đầu lực lượng bị Liên Hợp Quốc liệt vào danh sách tổ chức khủng bố - phát biểu.