Theo dữ liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, tình hình "sức khỏe" hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được củng cố, thêm kết quả xử lý nợ xấu và nhiều thành viên đã áp dụng được yêu cầu đủ vốn theo Basel II.
"Big 4" rướn sức bao sân
Cụ thể, tính đến cuối tháng 3/2020, tổng tài sản toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã đạt 12,48 triệu tỷ đồng, tăng 46,8% so với cuối năm 2016. Tuy nhiên, con số này lại giảm nhẹ 0,72% so với cuối năm 2019.
Trong đó, tổng tài sản của "big 4" ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV) đạt 5.213,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,76% toàn hệ thống.
Tỷ trọng tổng tài sản của 4 thành viên nói trên ngang ngửa với khối cổ phần tư nhân, cùng tạo nhóm ảnh hưởng lớn nhất trong hệ thống, cũng như đối với nền kinh tế khi xét về sức nâng tín dụng.
Cùng kỳ cập nhật, đến cuối tháng 3/2020, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đạt tổng tài sản 5.252,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 42% toàn hệ thống, tăng nhẹ 0,77% so với cuối năm trước.
Tính đến cuối tháng 3/2020, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 617,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,85% so với cuối năm trước. Trong đó, vốn điều lệ của 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn nói trên đạt 145,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,5% toàn hệ thống.
Như vậy, tương quan cho thấy, nhóm "big 4" chỉ chiếm tỷ trọng 23,5% vốn điều lệ toàn hệ thống nhưng tỷ trọng tổng tài sản vẫn bao tới 41,76%. Một mặt, cân đối này phản ánh sức rướn của nhóm trong đảm bảo nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, nhưng mặt khác cũng cho thấy yêu cầu cần gia tăng vốn điều lệ.
Từ đầu năm đến nay, các đầu mối chức năng cũng như các thành viên trong nhóm trên đã đặt vấn đề, đề xuất hướng tháo gỡ, tạo nguồn và cơ chế tăng vốn với kỳ vọng Quốc hội sẽ xem xét lại cơ cấu tại kỳ họp sắp tới.
Và như BizLIVE phản ánh ở bản tin trước , Chính phủ đã đề xuất Quốc hội cho phép bổ sung dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2020 để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019, tối đa 3.500 tỷ đồng.
Bên cạnh tăng khả năng đáp ứng tín dụng cho nền kinh tế, đề xuất tăng vốn ở đây còn nhằm đảm bảo thực hiện đúng các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đáp ứng mức đủ vốn theo chuẩn mực vốn Basel II (phương pháp tiêu chuẩn), cụ thể như tại Agribank và VietinBank.
Trở lại với tình hình hệ thống, đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, tính đến cuối tháng 3/2020, vốn điều lệ đạt mức 286,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 46,6% toàn hệ thống, tăng nhẹ 0,53% so với cuối năm 2019.
Ở tình hình chung, dù quy mô vốn điều lệ còn có những hạn chế cục bộ, song toàn hệ thống cũng đã tích lũy được quy mô vốn chủ sở hữu lớn hơn nhiều, đến cuối tháng 3/2020 đạt 937,9 nghìn tỷ đồng (quy mô tổng vốn điều lệ 617,5 nghìn tỷ đồng).
Và về tổng thể, toàn hệ thống hiện đã có nhiều thành viên triển khai được Chuẩn mực vốn Basel II, đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn.
Cụ thể, đến nay, có 76 tổ chức tín dụng (2 ngân hàng thương mại nhà nước, 20 ngân hàng thương mại cổ phần, 2 ngân hàng liên doanh, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 43 chi nhánh ngân hàng nước ngoài) đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, còn 14 tổ chức tín dụng đề nghị được áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 22/2019/TT-NHNN.
Đã xử lý được hơn 1 triệu tỷ đồng nợ xấu
Như BizLIVE đề cập về tình hình nợ xấu ngân hàng ở bài viết gần đây , Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, nhìn lại cả quá trình xử lý kể từ khi toàn hệ thống thực hiện tái cơ cấu.
Báo cáo cho biết, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3/2020 là 1,77%.
Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 1.076,95 nghìn tỷ đồng nợ xấu (riêng năm 2019 xử lý được 159,7 nghìn tỷ đồng và 3 tháng đầu năm 2020 xử lý được 26,94 nghìn tỷ đồng).
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng đến tháng 3/2020 ở mức 4,46%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016, mức 7,36% cuối năm 2017 và mức 5,85% vào cuối năm 2018.
Về xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2020, cả hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 299,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.
Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng (không bao gồm xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt) là 169,4 nghìn tỷ đồng (chiếm 56,5% tổng nợ xấu đã xử lý).
Xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 65,3 nghìn tỷ đồng (chiếm 21,79% tổng nợ xấu đã xử lý).
Xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 65,08 nghìn tỷ đồng (chiếm 21,7%).
Bên cạnh đó, đến thời điểm cuối tháng 3/2020, các tổ chức tín dụng đã sử dụng 154,58 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng.