Những ngày qua, câu hỏi về khả năng, vai trò và tầm ảnh hưởng trong tương lai của ChatGPT là gì đang khiến cả thế giới bàn tán. Có người cho rằng nó sẽ là công nghệ thay đổi hoàn toàn cuộc sống của con người, “chiếm dụng” hàng loạt việc làm và thay đổi cách vận hành của rất nhiều vấn đề. Cũng có ý kiến nhận định ChatGPT thực ra không hề “nguy hiểm” đến thế, có nhiều lỗ hổng và cũng chỉ là một chat bot hỗ trợ như nhiều chat bot AI khác từng xuất hiện. Đáp án thực sự là gì thì chúng ta bắt buộc phải chờ đợi mới có thể biết được.
Nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates rõ ràng là một trong những người có cái nhìn sắc bén nhất về thế giới công nghệ, khi bản thân ông đã góp phần biến máy vi tính trở thành công cụ quan trọng ảnh hưởng đến nhân loại. Và với Bill Gates, ông tin rằng ngày nay, một bước phát triển quan trọng không kém đang bắt đầu với ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo tương tự.
Trao đổi với Forbes trong bối cảnh ChatGPT đang “làm mưa làm gió”, tỷ phú từng giữ vị trí người giàu nhất hành tinh cho biết: “AI sẽ là chủ để được tranh luận nóng nhất trong năm 2023. Và bạn biết gì không? Rõ ràng là nên như thế. Nó cũng sẽ trở nên quan trọng như máy vi tính, như internet vậy”.
Bill Gates nổi tiếng không chỉ đơn giản vì ông giàu có mà đây là người đã giúp khởi động kỷ nguyên máy tính cá nhân vào những năm 80. Trước khi các công ty như Microsoft và Apple gia nhập thị trường, máy tính chủ yếu thuộc sở hữu của các tập đoàn lớn, chính phủ và trường đại học, đồng thời được coi là thiết bị kỹ thuật cao, không được thiết kế cho người bình thường. Và theo ông, AI có thể có tác động tương tự đối với xã hội, tạo ra một cuộc cách mạng phát triển mới.
Tỷ phú cũng cho biết ông hiện dành khoảng 10% thời gian mỗi ngày của mình để nói chuyện với đội ngũ của Microsoft về lộ trình sản phẩm của họ, mặc dù ông đã nghỉ hưu từ lâu và tập trung vào hoạt động từ thiện. Microsoft - đế chế tâm huyết của Bill Gates chính là “nhà đỡ đầu” cho OpenAI - công ty tạo ra ChatGPT từ những ngày đầu. Năm 2019, Microsoft rót vốn 1 tỷ USD vào đây. Trong tuần vừa rồi, Microsoft tiếp tục đổ thêm hàng tỷ USD. Dù con số cụ thể không được tiết lộ nhưng truyền thông cho rằng 10 tỷ USD đã được đầu tư, nâng giá trị của OpenAI lên 29 tỷ USD.
Người sáng lập Microsoft cũng đã nhắc về việc AI tiêm năng như thế nào vào đầu năm nay. Khi được hỏi liệu có bất kỳ sự thay đổi công nghệ “chấn động” nào hiện đang diễn ra hay không, ông trả lời: “AI là một công nghệ lớn. AI khá là cách mạng”.
ChatGPT nguy hiểm đến đâu là câu hỏi đang được quan tâm nhất?
ChatGPT - ứng dụng sử dụng dữ liệu được thu thập từ hàng triệu trang web để trả lời các câu hỏi một cách rõ ràng và mang tính đàm thoại đã cho thấy các chatbot AI thông minh và hữu ích như thế nào. Nó có thể làm những việc từ viết bài luận đến cung cấp giải pháp mã hóa trong vài giây và những tác động tiềm năng của ChatGPT tới lực lượng lao động toàn cầu là rất lớn.
Theo công ty phân tích UBS, kể từ khi được tung ra vào ngày 30/11/2022, sau chỉ 2 tháng, ChatGPT lập kỷ lục là ứng dụng thu hút số người dùng nhanh nhất trong lịch sử. Công ty cho biết ChatGPT ước tính đã đạt hơn 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng 1, nhanh hơn rất nhiều so với TikTok hay Instagram.
Và Bill Gates cũng không phải là người duy nhất nhìn thấy khả năng của ChatGPT. Elon Musk - tỷ phú giàu thứ 2 thế giới hiện tại chính nhà đồng sáng lập OpenAI vào năm 2015 cùng với Sam Altman. Ông đã rút khỏi công ty vì lo sợ cạnh tranh và mâu thuẫn với công ty xe điện cũng chạy bằng AI của mình là Tesla.
OpenAI do Sam Altman và Elon Musk đồng sáng lập
Vào tháng 12/2022, Google - ông lớn công nghệ khác đã ban hành mã đỏ đối với chatbot. Kể từ khi phiên bản mới nhất của ChatGPT được phát hành vào tháng 11, Sundar Pichai, Giám đốc điều hành của Google và công ty mẹ Alphabet đã tham gia một số cuộc họp xung quanh chiến lược AI của Google để đối phó với mối đe dọa mà chatbot gây ra cho công cụ tìm kiếm của công ty. Pichai còn phải nhờ đến sự trợ giúp của 2 nhà đồng sáng lập Larry Page và Sergey Brin nhằm vượt qua thách thức đe dọa của ChatGPT.
Không ít các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng tác động tiềm năng của các mô hình AI hiện cần được tranh luận, vì một khi đã phát hành, chúng không thể được thu hồi lại. “Nó giống như một ‘loài xâm lược’. Chúng ta cần hoạch định chính sách để đối phó với tốc độ của công nghệ ngay lập tức”, Aviv Ovadya, nhà nghiên cứu tại Trung tâm internet và Xã hội của Đại học Harvard nhận định.
Nguồn: Business Insider, Forbes