Giàu lên nhờ dịch Covid-19?
Vào những ngày đầu đại dịch Covid-19 năm 2020, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã cố gắng thương thảo để mua bản quyền Vaccine phát triển bởi hãng CureVac-Đức. Thế nhưng cái tên được nhắc đến nhiều nhất khi đó lại là tỷ phú Bill Gates.
Tại sao ư? Bởi quỹ từ thiện Bill and Melinda Gates Foundation của ông đã mua đến 40 triệu USD cổ phần của CureVac, một trong vô số những khoản đầu tư của quỹ này cho mảng dược phẩm. Quỹ cũng tuyên bố sẽ nâng mức đầu tư mà theo nhiều chuyên gia có thể lên đến hơn 250 triệu USD cho công cuộc chống Covid-19 mà ở đây là đầu tư phát triển Vaccine.
Bất chấp hình ảnh từ thiện, một sự thật không thể chối cãi là đại dịch càng bùng phát mạnh, càng nhiều người mua Vaccine thì Bill Gates càng trở nên giàu có.
Từ thiện hàng chục tỷ USD nhưng Bill Gates vẫn ngày càng giàu hơn?
Riêng khoản đầu tư vào CureVac có thể đem lại hàng chục triệu USD lợi nhuận cho các cổ đông như Bill Gates. Thậm chí khi việc mua bán Vaccine với chính phủ Mỹ không thành thì với tình hình dịch bệnh, giá cổ phiếu của công ty cũng đã tăng 400% chỉ 2 ngày sau khi được niêm yết lần đầu ra công chúng vào tháng 8/2020.
Như vậy bất chấp cái danh từ thiện, quỹ đầu tư của Bill Gates vẫn làm ra lợi nhuận mà chẳng bị ai ghét, được hưởng nhiều khoản khấu trừ thuế và thậm chí chẳng cần phải giải trình về những dự án đầu tư của mình. Hàng ngày, Bill Gates vẫn rao giảng nhiều điều về giúp đỡ xã hội và nhân loại nhưng chẳng ai biết quỹ từ thiện của ông đang kiếm hàng tỷ USD như thế nào.
"Họ sẽ chịu trách nhiệm với ai? Thậm chí họ còn chẳng có một cơ cấu tổ chức rõ ràng", Chuyên gia Kate Elder của Tổ chức các bác sĩ không biên giới (DWB) chỉ trích.
Theo bà Elder, quỹ Gates Foundation ngày càng không minh bạch dù quỹ này đi tiên phong trong việc đầu tư vào dược phẩm lẫn Vaccine. Theo Giám đốc James Love của Tổ chức phi chính phủ KEI, quỹ Gates Foundation đã hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực Vaccine và khi đại dịch bùng phát, đương nhiên họ sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất.
"Ông ấy (Bill Gates) có đủ tiền và mối quan hệ cũng như dư thời gian để là người đi tiên phong trong mảng này, qua đó trở thành người có quyền lực nhất trong cơn đại dịch", Giám đốc Love nói.
Tờ The New York Times từng ca ngợi tỷ phú Bill Gates có quyền lực ngang với cả Tổng thống Mỹ khi có sức ảnh hưởng quá to lớn về Vaccine lẫn dược phẩm trong mùa đại dịch. Điều đáng ngạc nhiên là một đế chế có sức mạnh như vậy với nguồn lợi nhuận khổng lồ lại chẳng phải minh bạch hay trình bày với ai bởi nó mang danh "từ thiện".
"Thông thường nếu bạn có sức mạnh ảnh hưởng đến mọi người trên thế giới như vậy thì sẽ phải có kiểm toán hoặc sự minh bạch. Thế nhưng vì là quỹ từ thiện nên chẳng ai đi hỏi những điều đó trong khi đáng lẽ ra mọi người phải đặt nghi vấn về những gì quỹ đang làm, số tiền kiếm được có từ đâu...", Giám đốc Love nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc phân phối Vaccine của Astra Zenecca cũng có góp phần đem lại lợi nhuận cho tỷ phú Bill Gates bởi quỹ của ông là một trong số những nhà đầu tư lớn của Liên hiệp CEPI, vốn chi khá nhiều tiền cho nghiên cứu Vaccine tại đại học Oxford mà sau này hợp tác với Astra để đưa ra sản phẩm chống dịch Covid-19.
Mặc dù cả Oxford và Astra đều đã cam kết từ bỏ lợi nhuận cũng như trao quyền tiếp cận với kỹ thuật phát triển Vaccine của mình nhưng nhiều người cho rằng Bill Gates vẫn có thể thu lợi từ các giấy phép độc quyền. Chẳng ai kiểm chứng được điều này khi không có kiểm toán cũng không có người dò xét nguồn lợi nhuận khổng lồ của Gates Foundation vì nó làm từ thiện.
Trong các cuộc phỏng vấn, Bill Gates chưa bao giờ nhắc đến các khoản đầu tư cụ thể vào những công ty dược phẩm từ quỹ từ thiện của mình nhưng lại có mối liên hệ mật thiết về lợi ích ở đây.
Nhà sáng lập này từng thừa nhận với tờ The Wired rằng ông muốn dùng thuốc Remdesivir để chữa nếu nhiễm Sars nCov2, thế nhưng chẳng ai biết rằng Gates Foundation sở hữu lượng lớn cổ phần trong Gilead, hãng dược phẩm chế tạo loại thuốc này.
"Người cuối cùng mà tôi muốn nghe lời khuyên có nên dùng Vaccine hay không chính là những nhà đầu tư phát triển Vaccine", Giáo sư Sheldon Krimsky của trường đại học Tuft University cho biết.
Theo ước tính của tạp chí Forbes, tổng tài sản của nhà sáng lập Bill Gates đã vào khoảng 115 tỷ USD, tăng hơn 10 tỷ USD trong mùa đại dịch. Tuy nhiên chẳng ai rõ vị tỷ phú này đã kiếm lời từ đâu dù ông luôn đi làm "từ thiện".
Tiền làm từ thiện trong 5 năm qua không bằng số lợi nhuận đầu tư mang lại
Càng từ thiện càng giàu
Theo tờ The Nation, quỹ Gates Foundation đã chi tiền từ thiện cho rất nhiều công ty có liên hệ lợi ích hoặc thậm chí được Bill Gates sở hữu cổ phần. Đương nhiên, số tiền "từ thiện" này được miễn thuế và chẳng ai kiểm toán hay tra xét.
Những cái tên nổi tiếng trong làng dược phẩm như Pfizer, Sanofi đến các thương hiệu đình đám như LG, Unilever đều xuất hiện.
Điều kỳ lạ hơn là sau nhiều năm làm từ thiện hàng chục tỷ USD, tổng tài sản của Bill Gates vẫn cứ tăng đều và hầu như chưa năm nào ông bị loại khỏi top những người giàu nhất thế giới.
Nhà sáng lập Microsoft từng tuyên bố đã trả tới 10 tỷ USD tiền thuế và làm nghĩa vụ nhiều hơn bất kỳ ai, thế nhưng quỹ Gates Foundation chưa bao giờ công khai hay cung cấp thông tin gì về hồ sơ thuế của tỷ phú này. Đó là chưa kể đến hàng tỷ USD miễn thuế nhờ hoạt động "từ thiện" mà chẳng ai biết đầu tư như thế nào và đem lại những gì.
Năm 2018, các tuyên bố của Bill Gates cho thấy ông đã được miễn giảm tới 4 tỷ USD tiền thuế nhờ các hoạt động từ thiện, thế nhưng tính toán của Giáo sư luật Ray Madoff của trường Boston College cho thấy con số này thực tế phải lên đến 14 tỷ USD.
Theo The Nation, trong 5 năm qua quỹ Gates Foundation đã làm từ thiện 23,5 tỷ USD nhưng lợi nhuận đầu tư của họ lại đạt tới 28,5 tỷ USD.
Rõ ràng, làm "từ thiện" như Bill Gates thì chẳng mấy mà giàu.