Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 3 dự án trên địa bàn tỉnh này với tổng vốn đầu tư gần 60 nghìn tỷ đồng tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng.
Cụ thể, đó là các dự án: Khu liên hợp gang thép Long Sơn Hoài Nhơn/Đầu tư nhà máy gang thép; dự án sản xuất gạch ốp lát granite và Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT Software.
Theo đó, dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn Hoài Nhơn/Đầu tư nhà máy gang thép (tại xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn), tổng vốn đầu tư là 56.257 tỷ đồng.
Theo dự kiến, dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn được xây dựng trên diện tích 468 ha, (chia thành 3 giai đoạn đầu tư), công suất 5,4 triệu tấn/năm, bao gồm các sản phẩm thép chế tạo chất lượng, thép xây dựng, thép cuộn.
Đồng thời, nhà đầu tư cũng đang nghiên cứu đầu tư Khu bến cảng Hoài Nhơn trên tổng diện tích khoảng 496,9 ha mặt đất và mặt biển. Cảng Hoài Nhơn được nghiên cứu quy hoạch là cảng chuyên dùng phục vụ cho sản xuất của Khu liên hợp Gang thép Long Sơn và hướng đến cảng tổng hợp trong tương lai. Tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.
Dự án này sẽ góp phần vào nguồn thu ngân sách thị xã Hoài Nhơn; tạo công ăn việc làm cho khoảng 7.500 lao động, cùng với đó là sự phát triển của các ngành dịch vụ, công nghiệp phụ trợ tại địa phương cũng như toàn tỉnh.
Phối cảnh dự án Liên hợp gang thép Long Sơn Hoài Nhơn có tổng vốn đầu tư 56.257 tỷ đồng. Ảnh: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định
Tiếp đó, dự án Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT Software của Công ty TNHH Phần mềm FPT, tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.
Dự án được triển khai trên khu đất rộng 15,2ha tại khu vực quy hoạch Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn).
Trong đó, giai đoạn 1 xây dựng trên phần diện tích đất 8,1ha; vốn đầu tư hơn 1.066,5 tỷ đồng; thực hiện từ quý I/2023 đến quý IV/2025. Giai đoạn 2 xây dựng trên diện tích đất 4,3ha; vốn đầu tư 565,4 tỷ đồng; thực hiện từ quý 1 năm 2026 đến quý 4 năm 2028; công suất thiết kế 6.712 người.
Giai đoạn 3 xây dựng trên phần diện tích đất 2,8ha; tổng vốn đầu tư 368,6 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ quý 1 năm 2029 đến quý 4 năm 2030; công suất thiết kế 4.376 người.
Đây là dự án xây dựng trung tâm nghiên cứu và sản xuất sản phẩm phần mềm, phục vụ cho việc đào tạo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin; góp phần xây dựng ngành công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế trọng điểm, quan trọng của tỉnh Bình Định.
Dự án hoàn thành sẽ sản xuất ra các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin có khả năng thay thế sản phẩm nhập khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển các lĩnh vực: viễn thông, tài chính, ngân hàng, hải quan, hàng không, thương mại, thương mại điện tử và các dịch vụ công cộng, giáo dục, đào tạo, y tế, an ninh, quốc phòng; đồng thời, đào tạo, huấn luyện nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam trở thành công dân toàn cầu...
Cuối cùng, dự án sản xuất gạch ốp lát granite (tại CCN Bình Nghi mở rộng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) của Công ty cổ phần Công nghiệp Kamado. Dự án có công suất 18 triệu m3/năm, tổng mức đầu tư hơn 998 tỷ đồng.
Mục tiêu đầu tư dự án là sản xuất gạch ốp lát granite với công suất đạt 18.000.000 m3/năm. Tiến độ triển khai dự án dự kiến đến tháng 9/2024 dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.
Dự án thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp có quy mô lớn nên khi đi vào hoạt động sẽ có đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp; giải quyết việc làm cho khoảng 800 lao động địa phương.
Theo ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định, trong năm 2023, tỉnh này tập trung thu hút đầu tư vào 5 trụ cột chính là công nghiệp; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ cảng và logistics; kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.
Trong đó, Bình Định sẽ chọn lọc các dự án sử dụng tiết kiệm đất, tiết kiệm năng lượng; sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, nộp ngân sách lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững.
Bên cạnh đó, tỉnh này còn chủ động theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ một số nước trong khu vực để lựa chọn thu hút các dự án đầu tư FDI chất lượng cao. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất, nguồn nhân lực và các hạ tầng kỹ thuật cần thiết để đón nhận dòng vốn FDI đang chuyển dịch, tái đầu tư phục hồi nền kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch.
Trong năm 2023, Bình Định phấn đấu thu hút trên 60 dự án và trên 20.000 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư mỗi năm (kể cả vốn đầu tư nước ngoài); đặt chỉ tiêu năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10%.