"Cắt vá" hàng chục điểm trên tuyến đường trăm tỷ
Đường giao thông từ hồ Định Bình đến trung tâm xã Vĩnh Sơn (huyện miền núi Vĩnh Thạnh, Bình Định), thuộc dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM), do Ban Quản lý Dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, làm chủ đầu tư.
Đơn vị trúng thầu dự án là liên danh Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Hiếu Ngọc, Công ty TNHH Xây dựng Tấn Thành, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 703. Trong đó, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 703 chỉ thi công hạng mục, thảm nhựa mặt đường.
Quy mô dự án xây dựng tuyến đường đạt tiêu chuẩn đường cấp V miền núi, với chiều dài xây dựng 39,5 km.
Trong đó, tuyến đường giao thông từ hồ Định Bình đến trung tâm xã Vĩnh Sơn, dài 37,6 km và đoạn nối đường từ làng L7 đến điểm đầu tuyến 1 (hồ Định Bình) dài 1,9 km.
Dự án có chi phí xây dựng 190 tỷ đồng, tiến độ thực hiện xây lắp từ ngày 15/3/2023 đến 15/3/2025. Giá trị đã thực hiện đến nay, đạt khoảng 155 tỷ đồng.
Thế nhưng, thời gian gần đây, người tham gia giao thông trên tuyến đường này bất ngờ chứng kiến cảnh nhiều đoạn đường mới làm xong, lại bị xới tung bề mặt để làm lại. Điều này, dấy lên nghi ngờ về chất lượng công trình.
Trong khi, toàn tuyến gần như mặt đường bê tông phẳng lỳ, thì tình trạng nứt đường, buộc phải đục lớp bê tông cũ để làm lại, xuất hiện nhiều nhất tại gói thầu đứng tên Công ty TNHH Xây dựng Tấn Thành, do Công ty TNHH Xây dựng Thuỷ Dương nhận thi công.
Theo ghi nhận của Dân Việt sáng 27/5, trên một đoạn đường ngắn nhưng đã có đến hàng chục vị trí nằm hai bên đường được đào xới, nhiều nhân công, máy đục, máy múc... của Công ty TNHH Xây dựng Thuỷ Dương, Công ty TNHH Huy Hoàng Thiện, được huy động để "cắt xẻ" lớp bê tông cũ bị nứt, vận chuyển đi nơi khác. Thay vào đó, là lớp bê tông mới.
Ông Nguyễn Hữu Quốc - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Tấn Thành nói rằng, gói thầu của công ty mình trúng thầu thi công, không hề có có chuyện bê tông bị nứt, hư hỏng.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Thuỷ - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thuỷ Dương xác nhận, công ty ông nhận thi công khối lượng lại từ gói thầu của Công ty TNHH Xây dựng Tấn Thành, vì không trực tiếp tham gia đấu thầu dự án.
Sau khi thi công, đã xuất hiện tình trạng mặt đường bê tông bị nứt, nhà thầu buộc phải đục bỏ lớp bê tông cũ và thi công lớp mới.
"Cái này không phải do chất lượng bê tông có vấn đề, vì mặt đường rất đẹp và không có chuyện bị loang, rổ. Tuy nhiên, vào mùa mưa năm ngoái, một số đoạn khi thi công nhưng bê tông chưa đủ tuổi, chưa chết hẳn thì phương tiện của Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Hiếu Ngọc (chở vật liệu thi công dự án) có trọng tải 30-40 tấn đi qua, dẫn đến tình trạng nứt đường", ông Thuỷ nêu lý do.
Vẫn theo ông Thuỷ, khi phát hiện mặt đường có những vị trí bị nứt nhiều, nhà thầu đã có trách nhiệm sửa chữa, khắc phục, tự bỏ tiền để huy động máy móc đục lớp bê tông cũ và đổ lại lớp mới. Vì đến nay, công trình vẫn đang trong quá trình thi công, chưa hoàn thành để bàn giao cho chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Công ty TNHH Huy Hoàng Thiện cho biết, Công ty TNHH Xây dựng Thuỷ Dương thuê phương tiện của công ty ông, để đục ra và khắc phục những đoạn đường bê tông bể góc, công ty ông không trực tiếp thi công.
Theo tìm hiểu, để thi công tuyến đường trên, Công ty TNHH Xây dựng Thuỷ Dương đã ký hợp đồng gia công bê tông, tại trạm trộn của Công ty CP Sản xuất - Thương mại Vĩnh Thạnh (tại huyện Vĩnh Thạnh).
"Công ty chúng tôi chỉ thực hiện công đoạn trộn, tạo ra bê tông thành phẩm, còn vật tư, vật liệu là của Công ty TNHH Xây dựng Thuỷ Dương chở đến. Trong lúc trộn gia công, thì các vật liệu đá, cát, xi măng…đều đủ tiêu chuẩn", ông Phan Công Chuẩn - Giám đốc Công ty CP Sản xuất - Thương mại Vĩnh Thạnh khẳng định.
Trước việc phương tiện của Công ty bị "tố" gây nứt đường bê tông, ông Nguyễn Quang Hiếu – Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Hiếu Ngọc phủ nhận sự việc trên.
Theo ông Hiếu, nói nguyên nhân do phương tiện của công ty ông gây nứt đường, là hết sức vô lý. Vì xe đầu kéo của công ty chạy đúng tải trọng, đi đường đèo không dám chở nặng và ông cam kết, không bao giờ chở quá tải.
"Phương tiện công ty tôi chở vật liệu chiều lên, còn chiều xuống đi xe không, nếu nói do xe đầu kéo gây ra nứt đường, thì chỉ nứt 1 bên đường thôi, còn đằng này đường bê tông xuất hiện tình trạng nứt cả 2 bên. Trong khi đó, cũng chạy trên cùng một tuyến đường, tại sao đoạn đường còn lại không xảy ra tình trạng bị nứt. Nguyên nhân gây ra tình trạng nứt đường, cần phải xem lại, không phải lỗi của phương tiện công ty tôi", ông Hiếu đề nghị.
Trao đổi với Dân Việt, ông Tô Tấn Thi - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, hiện tại Công ty TNHH Xây dựng Thuỷ Dương đã khắc phục được 70% trên tổng khối lượng đường bê tông bị nứt và dự kiến hết tuần này, sẽ xử lý xong.
Lý giải về tình trạng nứt đường bê tông, ông Tô Tấn Thi cho rằng, tại vị trí đường bê tông bị nứt, vào mùa mưa năm ngoái đoạn đường bị đọng nước. Tuy nhiên, thời điểm này, rãnh thoát nước kết nối, vẫn chưa thi công xong.
Dẫn đến tình trạng nước không thoát được gây ngập úng, khiến nền đường bị bão hoà nước.
"Trong khi đường thi công, chỉ đổ bê tông một nửa vì nửa còn lại phải để cho xe lưu thông, đảm bảo giao thông. Tuy nhiên, toàn bộ xe chở gỗ, xe tải trọng nặng di chuyển, ép lên trên đường bê tông mới đổ khiến nền đường không chịu nổi, dẫn đến tình trạng bê tông bị nứt", ông Thi nói.