Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này vừa ký văn bản trình Bộ NNPTNT xem xét, cho ý kiến về kết quả nghiên cứu Dự án cửa An Dũ.
UBND tỉnh Bình Định cho hay, thời gian qua hiện tượng dịch chuyển, bồi lấp cửa An Dũ làm giảm khả năng thoát lũ qua cửa, gây ngập lụt cho vùng hạ lưu sông Lại Giang. Hàng năm, trước mùa mưa lũ chính quyền tỉnh này phải cho nạo vét, khơi thông cửa hoặc nổ mìn để cho nước lũ thoát qua biển.
Cửa An Dũ biến đổi bất thường, gây ra nhiều hệ lụy.
Đặc biệt, trận lũ lịch sử cuối năm 2003, phía thượng lưu các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão nước lũ dâng cao do cửa sông bị bồi lấp, uy hiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Ngoài ra, sự bồi lấp cửa sông còn ảnh hưởng đến sự ra vào của tàu thuyền của vùng này. Khu vực nuôi trồng thủy sản của huyện Hoài Nhơn bị ảnh hưởng, gây sạt lở bờ sông ở các xã Hoài Hải và Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn).
Theo một số bậc cao niên ở xã Hoài Hương, từ ngày cửa An Dũ bị bồi lấp người dân ở đây cũng gặp nhiều khó khăn. “Trước kia đây là cảng cá, tàu thuyền vào tấp nập, nhưng từ khi cửa bị bồi lấp tàu thuyền không vào được nữa, phải di chuyển đến nơi khác xa hơn. Người dân trước kia làm nghề chài lưới bây giờ dòng nước cạn nên cũng thôi luôn”, ông Nguyễn Quang Minh (70 tuổi) chia sẻ.
Người dân sống ven cửa An Dũ lo lắng bị ảnh hưởng bởi cửa này bị bồi lấp.
Theo Chủ tịch UBND xã Hoài Hương Trần Tấn Thuận, trước năm 2000 cửa An Dũ phát huy rất tốt, toàn bộ hệ thống tàu thuyền hàng ngàn chiếc tàu ngư dân trong huyện, kể cả tàu thuyền ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi).
Trong đó, riêng xã Hoài Hương khoảng 700 tàu thường xuyên ra vào cửa An Dũ giao thương, mua bán thủy hải sản. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay, cửa An Dũ liên tục bị bồi lấp, tàu thuyền không thể ra vào bán thủy hải sản.
Người dân lo ngại cửa biển càng ngày bị bồi dần dần ra, nếu không có biện pháp khắc phục.
Theo ông Thuận, cửa An Dũ bị bồi lấp gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống bão lũ.
“Từ lâu, người dân mong muốn xây dựng lại cửa An Dũ hoặc nạo vét chỉnh lại dòng chảy. Bằng mọi cách để cửa An Dũ không còn tình trạng bồi lấp, tàu thuyền có thể ra vào mua bán thủy sản, giải quyết được vấn đề môi trường, ngập lụt”, ông Thuận mong mỏi.