Giải tỏa những tòa nhà cao tầng sát biển Quy Nhơn để lấy lại hàng nghìn m2 đất, mở rộng công viên cộng đồng, rõ ràng đây là quyết định hợp lòng dân, phù hợp với cảnh quan, quy hoạch. Nhưng với nhà đầu tư thì không hề là quyết định dễ chấp nhận, nhất là khi ở vị trí đắc địa, giá trị khu “đất vàng” này xấp xỉ 300 triệu đồng/m2, công việc kinh doanh đang rất thuận lợi.
Thế nhưng tỉnh Bình Định đã quyết tâm đi "tiên phong" tháo gỡ bài toán khó trong nhiều mâu thuẫn lợi ích. Sẵn sàng chi số tiền rất lớn để giải tỏa nhà cao tầng, lấy lại không gian biển cho dân thì nhiều địa phương có chủ trương quyết tâm, nhưng làm được như Bình Định là một hiếm hoi. Đã thế, chính quyền Bình Định còn chủ động bỏ tiền ra để làm công viên, phố đi bộ… phục vụ cộng đồng.
“Việc giải tỏa khách sạn Bình Dương (thuộc Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng) là để trả lại không gian công cộng cho người dân và tôi đã hứa với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng rằng, dời khách sạn chỉ làm công viên, còn nếu làm cái gì khác tôi nhận kỷ luật”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cam kết đầy mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo Bình Định trong việc lấy lại không gian biển cho cộng đồng.
Bình Định quyết "bứng" 3 khách sạn nằm sát biển Quy Nhơn để lấy đất xây công viên. Ảnh: Dũ Tuấn.
Theo đại diện khách sạn Bình Dương, phía khách sạn đang phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định thực hiện các bước thủ tục của việc di dời đến địa điểm mới. Đây là khách sạn đầu tiên di dời trong lộ trình dời 3 khách sạn (2 khách sạn còn lại là Hải Âu và Hoàng Yến) khỏi khu vực bờ biển vịnh Quy Nhơn.
Đại diện khách sạn Hải Âu cho hay, ban lãnh đạo khách sạn hoàn toàn đồng tình với chủ trương và quy hoạch chung của tỉnh.
“Vì là chủ trương của tỉnh, vì sự phát triển chung nên chúng tôi sẽ tuân theo và tiến hành di dời. Nhưng quá trình này cũng không phải ngày một ngày hai, các bên sẽ bàn bạc thỏa thuận để phù hợp với yêu cầu của UBND tỉnh, vừa đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp”, vị này cho biết.
Theo ông Nguyễn Hoàng Vũ - đại diện khách sạn Hoàng Yến, đến nay doanh nghiệp vẫn đang còn thời hạn cho thuê đất tại vị trí sát biển Quy Nhơn. Tuy nhiên, nhà đầu tư ủng hộ chủ trương về việc di dời với mục đích trả lại không gian ven biển cộng đồng.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ làm việc với cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định để bàn thêm, đưa ra phương án hợp lý”, ông Vũ cho hay.
Khách sạn sát biển sẽ được di dời để trả lại không gian công cộng. Ảnh: Dũ Tuấn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, trong giai đoạn khó khăn thì cả 3 khách sạn trên đều có đóng góp rất lớn cho du lịch của Quy Nhơn và tỉnh Bình Định. Thế nhưng, về lâu dài không gian biển phải trả lại cho người dân, đây là quan điểm nhất quán của lãnh đạo tỉnh từ thế hệ trước và đến lúc này, theo lộ trình sẽ tiến hành thực hiện di dời, nhà đầu tư không hề có vi phạm.
Ông Dũng nói rằng, rất biết ơn những nhà đầu tư vì có thời gian họ phải chịu thua lỗ. Trải qua nhiều sóng gió, thăng trầm trong giai đoạn phát triển du lịch tỉnh Bình Định và gắn bó cho đến lúc này.
“Đây đều là những doanh nghiệp tiên phong, có đóng góp cho phát triển du lịch, họ không vi phạm hay chiếm đất gì cả. Việc di dời sẽ được tính toán kỹ lưỡng tạo điều kiện cho nhà đầu tư và thực hiện theo lộ trình quy định, đảm bảo lợi ích người lao động, không phải sáng nói chiều dời ngay”, ông Dũng cho hay.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cam kết, dời khách sạn chỉ để xây công viên, trả lại không gian biển cho cộng đồng. Ảnh: Dũ Tuấn.
Người đứng đầu chính quyền Bình Định cam kết, không gian biển là của cộng đồng, biển Quy Nhơn sẽ không có rào chắn, không cấp cho ai khác sau đó. Toàn bộ không gian biển của vịnh Quy Nhơn là niềm tự hào của người dân và họ được tự do xuống biển, chính quyền không giao cho bất cứ nhà đầu tư nào cả.
“Cái khác biệt của Quy Nhơn là mọi người đều được xuống biển, không có rào chắn lối xuống biển. Đây là sự cố gắng rất lớn, mà Quy Nhơn đã giữ được cho đến lúc này”, ông Hồ Quốc Dũng nói.