Ðể giải quyết lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, UBND tỉnh Bình Định đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Cụm Công nghiệp Cầu Nước Xanh triển khai dự án Cụm Công nghiệp Cầu Nước Xanh (tại xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn).
Theo hồ sơ, dự án này sẽ thực hiện đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Cụm Công nghiệp Cầu Nước Xanh, tuy nhiên một sự thật “đáng buồn” đang diễn ra tại đây.
Cụm Công nghiệp Cầu Nước Xanh hoang vắng, mới chỉ thu hút được 1 doanh nghiệp về đây đầu tư xây dựng. Ảnh; Dũ Tuấn.
Hiu quạnh vắng vẻ, đó là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến Cụm Công nghiệp Cầu Nước Xanh. Một điều khá bất ngờ, diện tích trống tại cụm công nghiệp còn quá nhiều, cánh đồng dưa hấu rộng lớn “mọc” ngay trong khu đất cụm công nghiệp. Ðất đai bị bỏ hoang nhiều năm, thật sự là sự lãng phí tài nguyên lớn.
Theo người dân, với vị trí giao thông thuận lợi nằm sát với quốc lộ 19, cụm công nghiệp được kỳ vọng thu hút nhà đầu tư, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Vì vậy, trước đây họ mới đồng ý cho chính quyền thực hiện việc thu hồi đất để xây dựng, hình thành cụm công nghiệp. Thế nhưng, sau nhiều năm triển khai, chỉ duy nhất 1 doanh nghiệp về đây xây dựng nhà máy.
Gần đây, tận dụng việc san lấp mặt bằng bên trong cụm công nghiệp, nhiều xe tải chở đất ra sét ra ngoài khiến người dân bức xúc. Ảnh: Dũ Tuấn.
Ông Võ Chí Hiếu, Giám đốc điều hành Cụm Công nghiệp Cầu Nước Xanh (Công ty CP Cụm Công nghiệp Cầu Nước Xanh), cho biết: “UBND tỉnh Bình Định đã giao khoảng 50ha đất để công ty quản lý, kinh doanh cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 1 doanh nghiệp về đây xây dựng nhà máy sản xuất tinh bột sắn biến tính, nhà máy này gần đây phải tạm dừng hoạt động để khắc phục sự cố nước thải. Còn lại hơn 40ha đất vẫn để trống, chưa có doanh nghiệp thuê”.
Chỉ 1 doanh nghiệp về cụm công nghiệp xây dựng nhà máy sau gần 10 năm kêu gọi. Ảnh: Dũ Tuấn.
Theo ông Hiếu, Cụm Công nghiệp Cầu Nước Xanh được hình thành vào khoảng năm 2010 với kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng thực tế việc kêu gọi đầu tư lại không hề dễ dàng.
“Ở vùng này có vài rắc rối, cụm công nghiệp quá gần khu dân cư nên các doanh nghiệp đầu tư vào đây họ phải cân nhắc rất nhiều. Ngoài ra, các yếu tố nguồn nhân lực và nhiều nguyên nhân khác đã khiến việc thu hút đầu tư gặp khó khăn”, ông Hiếu lý giải.
Còn nhiều diện tích đất tại cụm công nghiệp để trống, chờ doanh nghiệp đến đầu tư. Ảnh: Dũ Tuấn.
Ông Hiếu cho rằng, Cụm Công nghiệp Cầu Nước Xanh đã ký hợp đồng cho người dân thuê đất trồng dưa hấu trong diện tích được giao quản lý là không đúng, thế nhưng vì muốn tạo điều kiện để “giữ mối quan hệ” nên chấp nhận.
“Giá thuê đất rất phải chăng, với diện tích 10ha chúng tôi cho thuê giá 40 triệu đồng, việc ký hợp đồng được thực hiện với đại diện 1 hộ dân trong vòng 1 vụ (3 tháng), rồi chia ra cho các hộ dân khác. Việc ký hợp đồng cho thuê đất này là không đúng, Ban quản lý Cụm công nghiệm không đồng ý vì tỉnh giao đất cho công ty với mục đích kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp”, ông Hiếu thừa nhận.