Dự án có vốn đầu tư trong nước chiếm ưu thế
Ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định cho hay, từ đầu năm đến nay, tỉnh này thu hút mới 14 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 6.336 tỷ đồng, thực hiện tăng vốn 2 dự án với tổng vốn thực hiện tăng 2.710 tỷ đồng.
Các dự án nêu trên đều là các dự án có vốn đầu tư trong nước. Trong đó, có 4 dự án trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp (KKT, KCN), tổng vốn đầu tư 290 tỷ đồng; 7 dự án trong Cụm công nghiệp (CCN), vốn vốn đầu tư 544,79 tỷ đồng và 3 dự án ngoài KKT, KCN, CCN với tổng vốn đầu tư hơn 5.501 tỷ đồng.
Các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp; thương mại, dịch vụ, du lịch; xây dựng, hạ tầng.
Đối với thu hút đầu tư nước ngoài, cả tỉnh hiện có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 1,1 tỷ USD. Trong đó Nhật Bản vẫn là đối tác có số dự án đầu tư nhiều nhất với 18 dự án, vốn đăng ký đầu tư 89,45 triệu USD, lần lượt theo sau là Singapore (15 dự án, 139,48 triệu USD), Hồng Kông (10 dự án, 91,19 triệu USD)…
Cũng theo ông Bay, hiện, Ban Quản lý KKT tỉnh, Trung tâm phát triển quỹ đất và Sở KH&ĐT đang tổ chức đấu thầu, đấu giá hàng loạt dự án.
Nổi bật như: Khu đất Tây Nam cầu Long Vân (TP. Quy Nhơn) để xây dựng nhà ở và thương mại dịch vụ, rộng 98.810 m2; khu đất K200 (TP. Quy Nhơn) để xây dựng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại, rộng 10.775m2; dự án khu đô thị 01 thuộc khu đô thị phía Đông đầm Thị Nại rộng 19,2ha có vốn đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng; dự án khu đô thị A1 (chuyển đổi một phần đất KCN A sang đất ở đô thị) rộng 49ha (trong 230 ha) có vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng…
"Để tăng cường xúc tiến đầu tư hơn nữa, hiện tỉnh đang thực hiện rà soát, bổ sung thêm các dự án mới vào Danh mục dự án ưu tiên mời gọi đầu tư của tỉnh cho giai đoạn 2023 - 2025. Đồng thời, theo dõi, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động nhằm đảm bảo tăng trưởng sản xuất theo kế hoạch", ông Bay nói.
Tăng cường thu hút FDI
Mới đây, tại phiên thảo luận chuyên đề, gặp gỡ doanh nghiệp tại Hội nghị xúc tiến hợp tác Ấn Độ và các tỉnh Nam Trung Bộ, ông Bay đã đưa ra nhiều lợi thế nổi bật của Bình Định để nhà đầu tư, doanh nghiệp Ấn Độ tìm hiểu và mở rộng hơn hoạt động đầu tư tại tỉnh.
Đáng chú ý, Bình Định đang đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để sẵn sàng đón các nhà đầu tư. Đặc biệt là hạ tầng KKT, KCN với tổng diện tích 14.300 ha và hạ tầng CCN với tổng diện tích 2.960 ha.
Theo ông Bay, những năm qua, mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa tỉnh này và cộng đồng doanh nghiệp của Ấn Độ ngày càng mở rộng, sâu sắc. Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư các doanh nghiệp từ quốc gia "tỷ dân" trên địa bàn tỉnh còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai bên.
Hiện, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 3 dự án đầu tư sản xuất, chế biến hạt điều, hạt dẻ và hạt óc chó của Tập đoàn Olam Ấn Độ đang hoạt động tại KCN Phú Tài.
Do đó, thời gian đến, tỉnh Bình Định mong muốn thu hút các nhà đầu tư Ấn Độ đối với các lĩnh vực mà quốc gia này có thế mạnh như: Công nghệ cao, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo; ngoài ra còn có các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, chế biến nông lâm thủy sản...
"Được biết, các nhà đầu tư của Ấn Độ tham dự hội nghị đang đầu tư các lĩnh vực như thương mại dịch vụ, du lịch, IT, giáo dục, y tế, logistic... Tôi cho rằng, các lĩnh vực mà các nhà đầu tư đang kinh doanh, đầu tư phù hợp với nhu cầu và định hướng của tỉnh Bình Định", ông Bay chia sẻ.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định còn thông tin, theo kế hoạch, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh này sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư tại một số quốc gia trọng điểm là Thái Lan, Đức, Hàn Quốc.