UBND tỉnh Bình Định vừa có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2022.
Theo đó, tổng kế hoạch vốn đầu tư công được phân bổ thực hiện trong năm 2021 là 6.691 tỷ đồng, bao gồm: Vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 1.576 tỷ đồng; Vốn nước ngoài là 614 tỷ đồng; Vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh là 4.499 tỷ đồng (Vốn Đầu tư tập trung: 557 tỷ đồng, vốn cấp quyền sử dụng đất: 3.300 tỷ đồng, vốn Xổ số kiến thiết: 110 tỷ đồng, Bội chi ngân sách: 532 tỷ đồng).
Tuy nhiên, đối với nguồn Bội chi ngân sách năm 2021 là 532 tỷ đồng, UBND tỉnh Bình Định căn cứ thực tế kế hoạch vay lại của địa phương, Bội chi ngân sách năm 2021 được thực hiện là 153,9 tỷ đồng. Như vậy, tổng kế hoạch được phân bổ thực hiện trong năm 2021 là 6.312 tỷ đồng.
Đến ngày 30/7/2021, giá trị giải ngân là 2.840/6.312 tỷ đồng, đạt 44,99% kế hoạch vốn giao (cao hơn cùng kỳ 2,29%). Trong đó, một số nguồn vốn chính như sau: Vốn Trung ương đầu tư có mục tiêu có giá trị giải ngân là 1.358 tỷ đồng, đạt 86,12% kế hoạch vốn giao.
UBND tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đến hết tháng 9 giải ngân dứt điểm kế hoạch vốn kéo dài năm 2020 và giải ngân ít nhất 60% kế hoạch vốn năm 2021. Ảnh: Báo Thanh niên.
Vốn nước ngoài (ODA) có giá trị giải ngân là 162 tỷ đồng, đạt 26,44% kế hoạch vốn giao. Vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh có giá trị giải ngân là 1.319 tỷ đồng, đạt 29,33% kế hoạch vốn giao.
Theo UBND tỉnh Bình Định, trong 7 tháng đầu năm 2021, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt khá so với khu vực miền Trung và Tây nguyên (xếp thứ 5/13). Tuy nhiên, một số nguồn vẫn chưa đạt yêu cầu, chủ yếu do các nguyên nhân như các chủ đầu tư chưa quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức công tác giải ngân; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án; giá vật tư, vật liệu tăng cao; hoàn thiện hồ sơ đối với các dự án khởi công mới còn chậm...
Bình Định đặt mục tiêu đến hết tháng 9 giải ngân dứt điểm kế hoạch vốn kéo dài năm 2020 và giải ngân ít nhất 60% kế hoạch vốn năm 2021; đến ngày 31/1/2022 giải ngân hết kế hoạch vốn giao đối với tất cả các nguồn vốn.
Sang năm 2022, dự kiến tổng vốn đầu tư công của Bình Định hơn 7.161 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương khoảng 2.412 tỷ đồng; vốn nước ngoài ODA hơn 346 tỷ đồng và khoảng 4.402 tỷ đồng còn lại là vốn ngân sách địa phương.
Nguồn vốn sẽ ưu tiên để thu hồi các khoản vốn ứng trước; thanh toán nợ đọng xây dựng; bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng; dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2022 để phát huy hiệu quả đầu tư.
Tiếp theo tỉnh sẽ bố trí vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư theo tiến độ được phê duyệt.
Nguồn vốn tiếp sẽ ưu tiên cho các dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; trong đó phấn đấu giảm thời gian thực hiện và bố trí vốn các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C.
Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, tỉnh mới bố trí vốn cho các dự án khởi công mới có tính chất kết nối liên vùng, liên huyện, quan trọng của địa phương,…; trong đó ưu tiên cho các dự án đã có đủ thủ tục đầu tư, được chuẩn bị kỹ để sẵn sàng triển khai thực hiện.