Năm 2020, tỷ suất di cư giữa các vùng có sự khác biệt, vùng có sức hút lớn về việc làm là Đông Nam Bộ có tỷ suất di cư thuần dương cao nhất trong cả nước với hơn 338,8 nghìn người nhập cư, tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Hồng là 67,4 nghìn người. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng dẫn đầu trong cả nước về số người xuất cư với hơn 200 nghìn người và vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đứng thứ hai về số người xuất cư với hơn 143,9 nghìn người.
Kết quả điều tra Biến động dân số và Kế hoạch hóa gia đình năm 2020 cho thấy, 11 địa phương có tỷ suất di cư thuần dương, các địa phương còn lại tỷ suất di cư thuần đều âm. Bình Dương vẫn là tỉnh dẫn đầu cả nước về tỷ suất di cư thuần dương 58,6‰, đứng thứ hai là Bắc Ninh với tỷ suất di cư thuần dương 35,8‰, vị trí thứ ba là Thành phố Hồ Chí Minh với tỷ suất di cư thuần dương 18‰.
Tỷ suất di cư thuần là hiệu số giữa số người nhập cư và số người xuất cư của một đơn vị lãnh thổ trong kỳ nghiên cứu (thường là một năm lịch) tính bình quân trên 1000 dân của đơn vị lãnh thổ đó.
Có thể thấy, những tỉnh có tỷ suất di cư thuần cao vẫn là những tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp, các trường đào tạo. Điều này chứng tỏ việc làm, đào tạo, học tập đã ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề di cư.
Địa phương có tỷ suất di cư thuần âm cao nhất là Hậu Giang (-23,8‰), Trà Vinh (-21,5‰) và Sóc Trăng (-19,3‰).
Trong giai đoạn 1989-1999, xu hướng gia tăng di cư chủ yếu do chính sách khuyến khích di dân đến những vùng kinh tế mới, sự chuyển đổi từ kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường cùng với sự phát triển của giao thông vận tải.
Bước sang giai đoạn 1999-2009, di cư trở nên ngày càng phổ biến trong bối cảnh nền kinh tế phát triển mạnh mẽ kèm theo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ cũng như sự bùng nổ của các khu công nghiệp, chế xuất.
Tuy nhiên, tới giai đoạn 2009 - 2019, việc thực hiện thành công các chương trình mục tiêu, dự án kinh tế - xã hội tại các địa phương mà điển hình là chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã thu hẹp khoảng 130 cách kinh tế giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền, qua đó làm giảm số lượng di cư trong giai đoạn này.
So sánh di cư ở các cấp địa giới hành chính cho thấy có sự khác biệt về lựa chọn điểm đến di cư trong giai đoạn trước năm 2009 và sau năm 2009. Nếu như dân số di cư ở cả ba loại hình đều ghi nhận xu hướng tăng trong giai đoạn 1989 - 2009 (mặc dù xét về tỷ lệ thì di cư giữa các huyện có giảm nhẹ trong giai đoạn 1989 - 1999) thì đến năm 2019, trong khi di cư trong huyện vẫn duy trì xu hướng tăng từ những giai đoạn trước thì di cư giữa các huyện và giữa các tỉnh giảm cả về số lượng và tỷ lệ.
Như vậy, có thể thấy trong bối cảnh di cư đang thu hẹp, người di cư cũng có xu hướng lựa chọn điểm đến trong phạm vi quen thuộc của họ. Năm 2020, đa số những người di cư chọn điểm đến là những địa điểm gần với nơi thực tế thường trú trước đây. Khoảng 98,5% những người xuất cư khỏi Đồng bằng sông Cửu Long chọn điểm đến là Đông Nam Bộ, còn những người từ Trung du và miền núi phía Bắc chủ yếu chọn điểm đến là Đồng bằng sông Hồng (83,4%).