Đón đầu xu hướng kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới, các doanh nghiệp, cơ quan chức năng cùng các bên liên quan vừa khai trương Sàn thương mại điện tử (TMĐT) tỉnh Bình Dương. Động thái này nằm trong chiến lược tái kích hoạt việc giao thương, kết nối cung ứng hàng hóa cũng như thúc đẩy tăng trưởng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cùng các đơn vị cung ứng hàng hóa của tỉnh.
Thông qua sàn, doanh nghiệp có thể đăng ký chào bán, trưng bày sản phẩm, hàng hóa, và thực hiện những giao dịch mua bán sản phẩm - dịch vụ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng qua trung gian (trang web, ứng dụng) từ máy tính, điện thoại.
Đặc biệt là mặt hàng nông sản, sàn TMĐT được xem là động thái nối tiếp chương trình hỗ trợ 3 năm cho gần 100 doanh nghiệp, đơn vị, hợp tác xã trong tỉnh trong lĩnh vực thực phẩm chế biến, trái cây, mô hình trồng rau thủy canh và các sản phẩm rau an toàn, dược phẩm... tiếp cận các đơn vị cung ứng, hệ thống phân phối trong nước. Song song, ký kết biên bản ghi nhớ, hợp đồng nguyên tắc với các công ty xuất nhập khẩu hàng hóa cung ứng cho thị trường trong nước và quốc tế.
Cần nhấn mạnh, TMĐT là công cụ thiết yếu trong bối cạnh hiện nay, không chỉ mang lại tiềm năng kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng và dịch vụ mà còn hỗ trợ bán hàng trên phạm vi rộng và liên tục cập nhật, mở rộng tệp khách hàng tiếp cận.
Đồng thời, các gian hàng ảo cho phép giới thiệu, trưng bày, hiển thị các sản phẩm bán chạy một cách dễ dàng và bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể đăng ký bán hàng. Ngoài ra, sàn còn có khả năng xử lý nhiều đơn hàng cùng lúc và mở rộng phạm vi quảng cáo một cách nhanh chóng. Đây chính là những ưu điểm mà các doanh nghiệp nên hướng tới thông qua việc chào bán sản phẩm bằng phương thức "tiếp thị số" và sử dụng các dịch vụ thương mại điện tử trong "kỷ nguyên số".
Trong đó, các nhà sản xuất, nhà phân phối và các doanh nghiệp sẽ được kết nối với 8 kênh phân phối bao gồm hệ thống siêu thị hiện đại VinMart, Co.op, AEON, Lotte, RichFood, MQK, PLA18, Mega Market. Đây là mục tiêu quan trọng của tỉnh nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia đầu tư, sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ thông qua các kênh phân phối bán lẻ trong và ngoài nước.
Song song với việc quan tâm và thúc đẩy giao thương trong nước, Sở Công Thương tỉnh cùng các đối tác đã có những hoạt động để thu hút các nhà mua quốc tế quan tâm đến các mặt hàng sản phẩm trong tỉnh Bình Dương cũng như các tỉnh khác. Đây là nỗ lực mong muốn phát triển một trung tâm kết nối giao thương tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, các đối tác kết nối giao thương với các nhà mua toàn cầu cũng tham gia chương trình để tìm kiếm các sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng, các doanh nghiệp đủ năng lực sản xuất và cung cấp các hàng hóa nhằm xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Đặc biệt, với sự tham gia của Global Source - một nền tảng tìm nguồn cung ứng B2B được quốc tế công nhận, thúc đẩy thương mại toàn cầu trong hơn 50 năm tại thị trường châu Á đã đem đến 5 nhà mua nước ngoài tìm kiếm các sản phẩm hàng hóa chất lượng bao gồm công ty như WHSmith nhà bán lẻ Anh Quốc, Metro Sourcing công ty tìm kiếm hàng hóa phục vụ cho nhu cầu khách sạn, nhà hàng, cung cấp dịch vụ ăn uống, AEON Topvalu tại Hồng Công tìm kiếm các sản phẩm thực phẩm, quần áo, sản phẩm giải trí gia đình, gia dụng, Target Australia Sourcing Group – chuyên tìm kiếm sản phẩm trang trí cho gia đình cho các cửa hàng tại Úc, KAS Group Asia – chuyên gia tìm nguồn cung ứng bán lẻ cho thị trường Úc và New Zealand. Bên cạnh đó Vestel Group - công ty sản xuất đồ gia dụng và chuyên dụng từ Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ kết nối giao thương với các doanh nghiệp ngành cơ điện, điện tử trong và ngoài địa bàn.