Theo BHXH tỉnh Bình Dương, tính đến ngày 31-12-2022, toàn tỉnh có 610 đơn vị ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, nợ đọng bảo hiểm hơn 600 tỉ đồng.
Nguyên nhân là do ảnh hưởng của tình hình thế giới và lạm phát, nhiều doanh nghiệp (DN) thiếu nguyên liệu, bị giảm đơn hàng phải thu hẹp quy mô, hoặc tạm thời ngừng hoạt động.
Trong đó, số DN dừng kinh doanh, dừng hoạt động hoặc chờ giải thể tăng và ở mức cao. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác BHXH, BHYT, BHTN và quyền lợi, chế độ của NLĐ.
BHXH đã phối hợp cùng công an rà soát các DN có số lao động lớn và số tiền nợ BHXH cao. Năm 2022, cơ quan chức năng đã làm việc với 337 DN nợ BHXH, trong đó 232 đơn vị đã khắc phục nợ với số tiền 76,5 tỉ đồng (đạt 59,9% so với tổng số nợ đọng của 337 DN là 127,8 tỉ đồng).
Bà Phạm Thị Hương Tuyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương, cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp đôn đốc thu, thu nợ.
Ban đầu, đơn vị sẽ gửi văn bản nhắc nhở đối với DN nợ BHXH dưới 3 tháng. Đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên sẽ thanh tra đột xuất và xử phạt hành chính. Trường hợp nào cố tình chây ỳ, BHXH tỉnh chuyển hồ sơ cho cơ quan công an đề nghị khởi tố theo Quy định của Bộ Luật hình sự năm 2015.
"DN gặp khó khăn, không có đơn hàng thì được quyền giảm lao động. Không có đơn hàng có nghĩa là không sử dụng lao động thì đương nhiên DN được tạm dừng, không tham gia bảo hiểm xã hội. Còn nếu DN có đơn hàng, có sử dụng lao động mà nợ bảo hiểm xã hội thì đã vi phạm"- bà Tuyền cho hay.
Được biết, BHXH tỉnh Bình Dương đang quản lý 21.761 đơn vị với hơn 1 triệu lao động. Số thu BHXH hàng năm hơn 25.000 tỉ đồng, số tiền nợ 600 tỉ đồng, chiếm 2,43%.