Hiện nay, tỉnh Bình Dương vẫn giữ định hướng phát triển trở thành trung tâm công nghiệp của miền Nam. Trên thực tế, Bình Dương được gọi là "thủ phủ công nghiệp" của Việt Nam. Trên địa bàn tỉnh có 48 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích lên đến hơn 11.000ha, chiếm 1/4 diện tích khu công nghiệp toàn miền Nam.
Các khu công nghiệp tại tỉnh đã thu hút 2.965 dự án đầu tư. Trong đó, tỉnh thu hút 2.309 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 24,3 tỷ USD và 656 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 76.608 tỷ đồng.
Theo định hướng của tỉnh Bình Dương, Thuận An là nơi được quy hoạch làm trung tâm dịch vụ - phố Wall – phố trung tâm thương mại. Thuận An là địa phương có cơ sở hạ tầng tốt nhất tại tỉnh Bình Dương. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ quy hoạch hàng loạt các trung tâm thương mại, trường quốc tế, bệnh viện quốc tế, sân golf sẽ thành trung tâm đô thị và dịch vụ.
Tổ hợp thương mại tại Thuận An bao gồm các trung tâm thương mại - dịch vụ tài chính, ngân hàng, khách sạn, chung cư cao cấp… được quy hoạch tại khu vực trung tâm Lái Thiêu từ hai bên đường quốc lộ 13 tới đường Nguyễn Văn Tiết.
Từ đó, Thuận An sẽ góp phần đưa ngành dịch vụ - tài chính - công nghệ chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, vượt qua sản xuất công nghiệp, hình thành cộng đồng nhân lực cao cấp, giảm bớt tỷ trọng lao động phổ thông.
Theo kế hoạch, Thuận An sẽ giữ lại và tập trung lấp đầy tại các khu, cụm công nghiệp hiện hữu theo hướng thu hút các dự án đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao, ít lao động phổ thông, không mở thêm các khu, cụm công nghiệp trong đô thị.
Cùng với đó, Thuận An sẽ dần chuyển đổi các cơ sở công nghiệp sang loại hình công nghệ sạch. Bình Dương sẽ thực hiện di dời một số các khu công nghiệp chen lẫn trong các khu dân cư nhằm chuyển diện tích đất đai các cơ sở này sang mục đích dân dụng.
Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang tiến hành đẩy mạnh triển khai cơ sở hạ tầng phục vụ cho mục đích biến Thuận An trở thành thành phố trung tâm dịch vụ - thương mại. Theo đồ án quy hoạch chung phát triển Thuận An thành trung tâm đô thị và dịch vụ, Bình Dương đã quyết định mở rộng Quốc lộ 13 thành đại lộ tài chính – thương mại – dịch vụ lớn nhất tỉnh.
Từ đại lộ này sẽ phát triển 5 trung tâm thương mại cấp đô thị, gồm có trung tâm 1 tọa lạc ở Lái Thiêu, trung tâm 2 tọa lạc khu vực ngã tư Quốc lộ 13 - đường An Thạnh - Bình Chuẩn, trung tâm 3 chạy dọc ngã 5 An Phú và đường DT473, trung tâm 4 và 5 thuộc trục ngang Lái Thiêu - Dĩ An với ngã tư Quốc lộ 13 và trục Bình Hòa - Vĩnh Phú.
Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết, sẽ ưu tiên mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng để khởi công dự án mở rộng quốc lộ 13 vào dịp 30/4 tới.
Dự án mở rộng quốc lộ 13 thành đại lộ đoạn từ Vĩnh Phú thuộc TP. Thuận An đến giao lộ Lê Hồng Phong TP. Thủ Dầu Một có chiều dài 12,7km. Trong đó, giai đoạn I là đoạn từ Vĩnh Phú đến cầu Ông Bố dài 4.875m, giai đoạn II từ cầu Ông Bố đến nút giao thông Hữu Nghị dài 2.868m và giai đoạn III từ nút giao thông Tự Do đến giao lộ Lê Hồng Phong dài 4.898m.
Dự kiến sau 30/4, quốc lộ 13 sẽ mở rộng thêm hai làn xe rộng từ 12 đến 18m, nâng tổng số làn xe lên 8 làn, bề mặt đường rộng từ 39,5 đến 40,5m. Tuyến quốc lộ 13 còn xây dựng cầu vượt qua nút giao thông Hữu Nghị - ngã tư Bình Hòa, với quy mô dài 880 m, rộng 17m và cầu vượt ngã tư Hòa Lân dài 646 m, rộng 17m.