Kế hoạch đầu tư công năm 2024 vốn ngân sách nhà nước của Bình Dương là 22.000 tỷ đồng. Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến ngày 30/6, giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công Bình Dương là 4.287 tỷ đồng; đạt 28,1% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Con số này chỉ đạt 19,5% kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao, và cũng thấp hơn so cùng kỳ năm ngoái (21,4%).
Tổng kế hoạch đầu tư công năm 2024 Bình Dương đã bố trí cho các công trình trọng điểm là 17.568 tỷ đồng, chiếm 79,9% tổng kế hoạch vốn của tỉnh.
Giá trị giải ngân đến nay là 2.863 tỷ đồng; đạt 16,3% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân của tỉnh.
UBND tỉnh đánh giá, nửa đầu năm, Bình Dương đã phân bổ hết 100% kế hoạch vốn cho các công trình, dự án theo quy định, không để xảy ra tình trạng "vốn chờ công trình" ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn.
Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân của tỉnh đến nay chưa đạt được kỳ vọng. Lượng vốn chưa giải ngân còn khá lớn, tập trung ở các công trình, dự án trọng điểm. Điều này dẫn đến áp lực giải ngân trong những tháng còn lại là rất lớn để hoàn thành được mục tiêu Chính phủ đã chỉ đạo từ đầu năm.
UBND tỉnh cũng cho biết, các công trình trọng điểm chưa đảm bảo được tiến độ như kế hoạch và cam kết các chủ đầu tư đã đăng ký từ đầu năm. Một số công trình, dự án đang bị "trượt" tiến độ từ 4-5 tháng so với kế hoạch.
Tỉnh cũng chưa huy động đủ nguồn vốn cho đầu tư công theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Nguồn vốn từ Đề án khai thác nguồn lực từ đất đến nay chưa phát sinh, ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân của các đơn vị, chủ đầu tư và gây nguy cơ nợ đọng xây dựng cơ bản.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh, giải ngân vốn đầu tư công chậm trong 6 tháng qua, nguyên nhân khách quan do Luật Đấu thầu mới có hiệu lực. Các Nghị định, Thông tư hướng dẫn chưa được ban hành kịp thời, ảnh hưởng đến công tác lựa chọn nhà thầu.
Về tổ chức triển khai thực hiện, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều dự án còn vướng mặt bằng, nhà thầu không thể triển khai đồng bộ, làm ảnh hưởng tiến độ thi công xây dựng công trình không đạt theo kế hoạch đề ra.
Công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với các sở, ngành, địa phương trong triển khai các nhiệm vụ chưa nhịp nhàng; chưa quyết tâm đeo bám để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt về đền bù giải phóng mặt bằng của từng dự án.
Số vốn chưa giải ngân tập trung nhiều ở các công trình trọng điểm. Dự kiến đến cuối quý III, quý IV, những dự án này mới có thể khởi công và giải ngân được kế hoạch vốn.
Trong khi các dự án khởi công mới từ những tháng đầu năm cần phải thực hiện các thủ tục đầu tư (thiết kế bản vẽ thi công dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu...) nên chưa có khối lượng thực hiện để giải ngân.
Tuy nhiên, ông Võ Văn Minh cho rằng, dư địa để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới còn khá lớn. Bởi, phần lớn vốn chưa giải ngân tập trung tại các công trình trọng điểm có điểm "rơi" nhu cầu vốn vào các quý cuối năm 2024.
Chi phí giải phóng mặt bằng vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu bố trí vốn đầu tư. Đối với chi phí này, sau khi hoàn tất các thủ tục liên quan, tỉnh sẽ giải ngân được lượng vốn rất lớn trong thời gian ngắn.
Trong 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh đề nghị tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các địa phương trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư rà soát kỹ và chịu trách nhiệm về đề xuất nhu cầu vốn, và khả năng giải ngân các dự án, nhất là các dự án trọng điểm theo chi đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.