Những năm gần đây, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công ở Bình Dương thấp đến mức báo động dù ngành chức năng địa phương đưa ra các lý do chủ quan và khách quan khác nhau. Bình Dương đã có những giải pháp mạnh, thậm chí nhiều đơn vị, cá nhân bị kiểm điểm nhưng tiến độ giải ngân vốn vẫn trong tình trạng ngưng trệ.
Được biết, trong năm 2019 Bình Dương giải ngân được 5.033 tỉ đồng vốn đầu tư công, đạt 40,3 % kế hoạch của năm (chỉ tiêu sau điều chỉnh là gần 12.500 tỉ đồng). Năm 2020, giá trị giải ngân đạt 5.131 tỉ đồng, chỉ đạt 34,4% kế hoạch (chỉ tiêu là 14.666 ); Năm 2021, chỉ tiêu kế hoạch đầu tư công của Bình Dương là 9.156 tỉ đồng, sau đó bổ sung thêm 3.200 tỉ đồng cho 15 dự án nhưng giá trị giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt một nửa kế hoạch.
Như vậy, mặc dù kế hoạch vốn đầu tư công đã phê duyệt, tuy nhiên mỗi năm tỉnh Bình Dương vẫn tồn dư hàng ngàn tỉ đồng vốn đầu tư chưa được giải ngân. Việc “có tiền không xài được” khiến hàng loạt công trình, dự án đầu tư triển khai chậm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội tại Bình Dương.
Các đường huyết mạch ở Bình Dương như Quốc lộ 13, ĐT 743, Mỹ Phước Tân Vạn... thường xuyên xảy ra ùn tắc
Trong số những công trình, dự án chậm triển khai ở Bình Dương phải kể đến dự án mở rộng đường Quốc lộ 13, đường ĐT 743 , dự án Bệnh viện 1.500 giường; Khu trung tâm và hạ tầng kỹ thuật tổng thể Khu tưởng niệm Chiến khu Đ; Bờ kè chống sạt lở sông Đồng Nai; Tuyến kênh thoát nước số 2 thuộc Dự án Hệ thống thoát nước bên ngoài hàng rào các khu công nghiệp An Tây, Mai Trung, Việt Hương II (thị xã Bến Cát), Nhà máy xử lý nước thải Thủ Dầu Một thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương (giai đoạn II), Trường tiểu học Định Hòa 2…
Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, ngoài lý do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, 2 năm trở lại đây, giá đất ở Bình Dương tăng cao khiến các dự án gặp khó trong công tác bồi thường. Các chủ đầu tư thiếu mặt bằng và đất sạch thì không thể triển khai được nên dù nguồn vốn tỉnh đã bố trí nhưng không giải ngân được.
Theo ông Tuấn Anh, trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, kế hoạch đầu tư công khối hạ tầng kinh tế là 53.577 tỉ đồng, hạ tầng văn hóa - xã hội là 3.673 tỉ đồng, vốn tỉnh hỗ trợ cấp huyện là 7.100 tỉ đồng, vốn chi ngân sách địa phương là 4.162 tỉ đồng. Ngoài ra, khoảng 215 dự án đang được các chủ đầu tư, UBND cấp huyện nghiên cứu đề xuất với tổng mức đầu tư khoảng 101.582 tỉ đồng.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương kiểm tra, đôn đốc việc triển khai dự án mở rộng đường Quốc lộ 13 |
Liên quan đến vấn đề đầu tư công, ông Phạm Văn Chánh – Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương thông tin HĐND tỉnh này sẽ thành lập đoàn giám sát. Trong đó, đơn vị chịu sự giám sát của đoàn gồm: UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư. Đoàn giám sát sẽ thực hiện giám sát về những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của công tác đầu tư công nói chung và của một số dự án cụ thể. Hình thức giám sát trực tiếp tại một số đơn vị và công trình cụ thể. Thời gian, dự kiến giám sát vào tháng 5/2022. Đoàn giám sát sẽ báo cáo kết quả giám sát trình Thường trực HĐND tỉnh quyết định.
Theo ông Chánh, trong năm 2022, Bình Dương quyết tâm hoàn thành 100% tiến độ và kế hoạch giải ngân vốn. Do đó, việc giám sát có ý nghĩa rất lớn nhằm ghi nhận và kịp thời tháo gỡ vướng mắc.