Sau Tết Nguyên đán 2022, nhiều doanh nghiệp (DN) tại tỉnh Bình Dương đồng loạt tuyển dụng lao động. Các đơn vị đang ra sức tìm kiếm nguồn lao động bằng nhiều cách thức khác nhau với nhiều chế độ đãi ngộ, tuy nhiên để tuyển được công nhân thời điểm này không phải chuyện dễ.
Chạy đua tuyển công nhân
Từ gần 2 tuần nay, trên các con đường dẫn vào các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương, nhiều DN căng băng rôn, treo bảng... đăng thông tin tuyển dụng rầm rộ, số lượng từ 300 - 500 công nhân, có những đơn vị cần cả ngàn lao động. Nhiều DN đưa ra mức lương, phụ cấp, chế độ đi kèm hấp dẫn để quảng bá, thu hút công nhân.
Nhận đơn đặt hàng tăng nhiều so với năm ngoái, Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam, chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu ở Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP1) cần tuyển khoảng 1.000 công nhân may, dự định tổ chức đào tạo cho cả nam và nữ nếu như chưa có tay nghề. Bên cạnh đó, công ty cũng tuyển thêm 500 lao động tại phòng cắt, phòng hoàn thành, kiểm tra chất lượng.
Bà Bạch Minh Ngọc, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam cho biết, bên cạnh chế độ lương và phụ cấp, còn có khoản thưởng khuyến khích cho những công nhân mới. Cụ thể, khi giới thiệu người vào làm việc cho công ty sẽ được nhận tiền thưởng giới thiệu với mức 2.000.000 đồng; các công nhân mới vào nếu có tay nghề cũng sẽ được thưởng 2.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, công ty ưu tiên giữ thâm niên cho những công nhân may có tay nghề ở các công ty khác tới, nhận thưởng từ 300.000 – triệu đồng nếu vào công ty nhận việc. Những công nhân mới trong 3 tháng đầu chưa đạt hiệu suất vẫn được công ty hỗ trợ ít nhất 1 triệu đồng/người/tháng. Hàng tháng, công nhân còn được trợ cấp giao thông 150.000 đồng, tiền nhà trọ 200.000 đồng, tiền thưởng chuyên cần 300.000 đồng.
Bà Bạch Minh Ngọc cho hay, 2 tuần trở lại đây, dù đã nỗ lực tìm kiếm nguồn lao động nhưng công ty cũng mới chỉ tuyển được khoảng 300 người, chưa đạt như mong muốn. Công ty hiện vẫn sắp xếp công nhân tăng ca theo tinh thần tự nguyện và theo quy định của luật.
“Hiện tại Far Eastern cũng đang đăng tuyển trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok, và cũng có cả kênh hotline 0784028288. Ngoài ra công ty còn liên kết với các trung tâm dịch vụ việc làm ở Bình Dương để mà đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng, đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất và kinh doanh”, bà Ngọc cho hay.
Nhiều chính sách thu hút lao động
Là đơn vị sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô, cả tháng nay, Công ty TNHH Yazaki Eds (phường Dĩ An, Thị xã Dĩ An, Bình Dương) cũng căng nhiều băng rôn tuyển công nhân các tuyến đường gần khu vực công ty, tổ chức phát tờ rơi, mở bàn tuyển dụng và liên kết với các công ty cung ứng lao động để tuyển dụng nhân sự.
Bà Phạm Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Yazaki Eds cho biết, ngoài việc chi trả lương theo quy định của luật lao động, DN còn có các chế độ phúc lợi riêng, như tiền thâm niên, tiền thưởng lương tháng 13 và nhiều ưu đãi khác. Đặc biệt, để tăng cường dinh dưỡng cho công nhân, tạo hưng phấn, vui vẻ cho người lao động, công ty có các phần ăn đặc biệt giữa ca cuối mỗi tuần và cuối tháng. Đây là những nỗ lực để ghi nhận sự đóng góp của những người lao động đang gắn bó và cống hiến cho sự phát triển của DN.
Bà Nhung cho biết, trong tháng 2 và tháng 3, công ty dự định tuyển dụng 500 lao động để phục vụ cho các chuyền sản xuất. Hiện tại công ty đang "âm" nhân lực so với nhu cầu nên có thêm chế độ tiền thưởng đối với người nhận việc cũng như người giới thiệu nhân lực cho công ty.
“Đến thời điểm tại DN chỉ mới tuyển được khoảng 100 lao động. Trong trường hợp tuyển dụng không đạt như số lượng đưa ra, DN sẽ thực hiện phương án 2, đó là cho nguồn nhân lực hiện tại điều chỉnh tăng ca theo từng khu vực, ví dụ như bổ sung không kịp thì đối ứng bằng lượng tăng ca để bù lại số nhân sự đang tuyển không đủ”, bà Nhung cho biết.
Tại Bình Dương, dự báo lượng lao động cần tuyển dụng của các DN khoảng 45.000 người, bao gồm nhu cầu tuyển dụng lao động mới và tuyển bù số lao động không trở lại làm việc. Lý giải nguyên nhân khan hiếm lao động, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho rằng, việc hình thành các khu công nghiệp ở nhiều địa phương trên cả nước đã kéo theo sự dịch chuyển lao động. Mặt khác, sau khi hết giãn cách xã hội, một lượng lớn người lao động đã trở về quê, chưa trở lại thị trường lao động. Trong khi đó, nhiều DN đã nhận được lượng đơn hàng gia tăng, cần mở rộng quy mô sản xuất.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương đang tập trung rà soát, phân loại lao động nghỉ việc trên địa bàn tỉnh; nhu cầu tuyển dụng thực tế của các DN theo từng thời điểm. Đồng thời hướng dẫn, giám sát hoạt động của các DN, đảm bảo thực hiện tốt pháp luật lao động, chế độ tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi để giữ chân lao động và thu hút thêm nhân lực, đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay tỉnh cũng chỉ đạo Trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương phối hợp chặt chẽ với Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành trên cả nước có chương trình ký kết, từ đó thu hút và đưa đón người lao động đến Bình Dương làm việc để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động như hiện nay.
Theo các chuyên gia, ngoài nỗ lực chăm lo cho công nhân của DN, tỉnh Bình Dương cần tạo điều kiện cho lao động ngoại tỉnh có chỗ ở ổn định, thích ứng lâu dài với tình hình dịch bệnh. Đây cũng là mục tiêu mà tỉnh này đang hướng tới. Dự kiến, trong giai đoạn 2021-2025, Bình Dương phấn đấu phát triển thêm 1 triệu căn nhà ở xã hội nhằm giải quyết chỗ ở cho công nhân, người có thu nhập thấp trên địa bàn. Để đạt được mục tiêu trên, Bình Dương đã kiến nghị Chính phủ cho vay khoảng 10.000 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương để cùng các nguồn vốn hợp pháp khác sớm triển khai các dự án./.