Công nghiệp chế biến chế tạo là trụ cột của công nghiệp Bình Dương khi chiếm tỷ trọng 97% toàn ngành.
Tốc độ tăng trưởng hàng năm của công nghiệp chế biến chế tạo trong giai đoạn 2011-2020 là 9,5%/năm; lớn hơn cả mức tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp là 9,1%.
Theo Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia (VIUP), lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo có vai trò quan trọng không chỉ trong quá khứ mà còn tạo nền tảng cho tương lai Bình Dương.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu ngành công nghiệp là thực sự cần thiết khi các lợi thế trước đây của tỉnh đang mất dần. Thêm vào đó, sức cạnh tranh của các tỉnh lân cận sẽ rõ rệt hơn. Điều này đỏi hỏi Bình Dương cần có những cải cách mang tính chiến lược, huy động tối đa nguồn lực để phát triển các ngành công nghiệp mới.
VIUP là cơ quan tư vấn lập Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo dự thảo Quy hoạch tỉnh, công nghiệp chế biến chế tạo Bình Dương được định hướng phát triển bao trùm và bền vững với trụ cột công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Công nghiệp chế biến chế tạo Bình Dương phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 10,14%/năm bình quân thời kỳ 2021-2030.
Trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 8,92%; và giai đoạn 2026-2030 là 11,36 %/năm.
Thu hút đầu tư toàn xã hội vào công nghiệp chế biến chế tạo giai đoạn 2021-2025 đạt 728,3 nghìn tỷ đồng; và giai đoạn 2026-2030 là 1.563,7 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành).
Góp ý cho dự thảo Quy hoạch tỉnh, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Bình Dương cần xem xét một cách nghiêm túc các mục tiêu giai đoạn 2021-2030. Bởi vì, hiện nay đã bước qua năm thứ 4 của thời kỳ quy hoạch 10 năm; tức là đã mất khoảng 1/3 thời gian.
Theo TS. Cung, 3 năm qua, tăng trưởng công nghiệp nói riêng và GRDP Bình Dương nói chung thấp hơn nhiều so với dự kiến mục tiêu giai đoạn 2021-2025. Năm thứ 4 (năm 2024) được nhiều chuyên gia đánh giá vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì thế, TS. Cung cho rằng, muốn đạt được mục tiêu thời kỳ 2021-2030 như dự thảo quy hoạch, thì trong 6 năm còn lại, tốc độ tăng trưởng phải cao hơn nhiều so với mức dự tính hiện nay.
Trước đó, báo cáo của HĐND tỉnh Bình Dương cho biết, GRDP năm 2022 Bình Dương chỉ tăng 8,01%, trong khi kế hoạch tăng từ 8,5-8,7%. Năm 2023, GRDP Bình Dương ước tăng 5,97%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Bình Dương ước chỉ tăng 5,95% so với năm 2022. Trong khi năm 2022, chỉ số IIP tăng 8,8%.
TS. Cung đánh giá, kỳ vọng phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 10,14%/năm bình quân thời kỳ 2021-2030 thực sự là một thách thức không dễ vượt qua.
Vì vậy, TS. Cung đề nghị, Bình Dương cần cân nhắc điều chỉnh lại mục tiêu cho hợp lý, và khả thi hơn; nhất là mục tiêu thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến chế tạo.
Theo dự thảo, giai đoạn 2021-2025, Bình Dương huy động 728,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 29-30 tỷ USD (trung bình mỗi năm gần 6 tỷ USD)
Và giai đoạn 2026-2030 là 1.563,7 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 60 tỷ USD (trung bình mỗi năm khoảng 12 tỷ USD).
Số vốn nói trên có thể vượt quá khả năng huy động và hấp thụ vốn của Bình Dương. "Trong khi, Bình dương vẫn cần huy động vốn để phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội và các hạ tầng khác của nền kinh tế", TS. Nguyễn Đình Cung chia sẻ.