Theo đó, TP Dĩ An được thành lập trên cơ sở 60,10 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 403.760 người, giáp TP Thuận An, thị xã Tân Uyên, TP.HCM và tỉnh Đồng Nai. Sau khi thành lập TP Dĩ An có 7 đơn vị hành chính cấp xã, phường (An Bình, Bình An, Bình Thắng, Dĩ An, Tân Bình, Đông Hòa và Tân Đông Hiệp).
TP Thuận An được thành lập trên cơ sở toàn bộ 83,71 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 508.433 người của thị xã Thuận An, tiếp giáp TP Dĩ An, TP Thủ Dầu Một, thị xã Tân Uyên và TP.HCM. Sau khi thành lập TP Thuận An có 10 đơn vị hành chính gồm An Phú, An Thạnh, Bình Chuẩn, Bình Hòa, Bình Nhâm, Hưng Định, Lái Thiêu, Thuận Giao, Vĩnh Phú và xã An Sơn.
Hai thành phố mới được thành lập được xem là nơi có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, tiếp giáp với hai địa phương là Đồng Nai và TP.HCM.
Bên cạnh đó, đa số các khu công nghiệp lớn đều nằm ở 2 địa phương này nên đây được xem là cửa ngõ trong phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, trong nghị quyết này còn thành lập 4 phường của thị xã Tân Uyên (Bình Dương) gồm: Vĩnh Tân, Phú Chánh, Tân Vĩnh Hiệp và Hội Nghĩa.
Kể từ ngày 1/2, ngoài TP Thủ Dầu Một sẽ có thêm 2 thành phố trong tổng số 9 huyện, thị xã và thành phố của tỉnh Bình Dương.
Thời gian gần đây, làn sóng đầu tư bất động sản Bình Dương đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ sang khu vực phía Đông bao gồm thị xã Dĩ An và thị xã Thuận An. Nhiều khách hàng đang đổ dần về đây “săn” đất nền để đón gió hệ thống hạ tầng đang phát triển. Khảo sát cho thấy mặt bằng giá đất nền tại các dự án ở Dĩ An đã tăng từ 30-50% chỉ trong vòng một năm qua. Đây là mức tăng trưởng khá cao, tạo lợi nhuận hấp dẫn cho người muốn tích lũy tài sản cũng như đầu tư.
Nguyên nhân chủ yếu trước hết là khách hàng "đón gió" hai địa phương này sẽ được nâng lên thành thành phố, đặc biệt lại giáp ranh với các quận phía Đông TPHCM. Một nguyên nhân nữa là do hạ tầng giao thông khu vực phía Đông tỉnh Bình Dương đang được đầu tư ồ ạt theo chiến lược hình thành tam giác kinh tế Bình Dương - TPHCM - Đồng Nai.
Hiện nay, ngoài đường vành đai 3, vành đai 4, đại lộ Mỹ Phước – Tân Vạn – Nhơn Trạch, ĐT 746, ĐT 747B mở rộng, sắp tới các khu vực này còn đón thêm nhiều công trình giao thông "tỉ đô". Có thể kể đến như tuyến cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, cao tốc TPHCM – Lộc Ninh, metro thành phố mới Bình Dương – Uyên Hưng – Tân Thành, metro Dĩ An – Tân Uyên, kéo dài metro Bến Thành – Suối Tiên đến thị xã Dĩ An…
Các công trình này tạo sự gắn kết về kinh tế, lưu thông hàng hóa giữa TPHCM với Bình Dương, thành phố Biên Hòa trở nên vô cùng thuận lợi. Kết hợp với sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cát Lái, cảng Cái Mép – Thị Vải,… sẽ giúp cho khu vực kinh tế sôi động nhất cả nước như hổ mọc thêm cánh.
Bên cạnh yếu tố giao thông, thị trường bất động sản phía Đông Bình Dương còn được hỗ trợ từ sự phát triển của các khu công nghiệp như VSIP, Sóng Thần, Nam Tân Uyên, Uyên Hưng, VSIP II,... vốn đang tập trung hàng chục ngàn chuyên gia, kỹ sư và công nhân sinh sống, làm việc. Từ đó xuất hiện nhu cầu rất lớn về nhà ở, từ căn hộ, đất nền giá rẻ, nhà phố xây sẵn cho đến các khu biệt thự sang chảnh dành cho chuyên gia và doanh nhân.
Trên thực tế, mặt bằng giá đất ở tại Dĩ An, Thuận An vẫn còn thấp so với các khu vực lân cận. Thêm vào đó, hệ thống tiện ích từ giáo dục, y tế cho đến vui chơi giải trí liên tục mọc lên đã giúp cho thị trường bất động sản trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Vì thế, thời gian gần đây hàng loạt chủ đầu tư đã tìm đến khu vực này phát triển dự án như Kim Oanh, Phú Đông, Samland và cả "ông lớn" Vingroup. Tuy nhiên, một số dự án đưa ra thị trường thời gian qua không thể đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Theo Nghị quyết số 1210/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trên cơ sở phân tích, đánh giá tổng hợp theo 59 tiêu chuẩn trong 5 tiêu chí của đô thị loại I, hiện Bình Dương đạt 82,34/100 điểm (quy định là 75/100 điểm và không có điểm liệt). Tuy nhiên, đối với tiêu chí số 3 - về mật độ dân số, hiện nay của tỉnh là 769 người/ km², chưa đạt so với quy định là trên 3.000 người/km².
Hiện có 43 tiêu chuẩn tỉnh đã đạt và vượt mức điểm tối đa, 8 tiêu chuẩn đã đạt nhưng vẫn còn thấp, 8 tiêu chuẩn chưa đạt điểm tối thiểu, trong đó có 6 tiêu chuẩn không đạt nhưng không bị khống chế (gồm thu nhập bình quân đầu người/năm so với cả nước; mật độ đường trong khu vực nội thị; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật; tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng; tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị/tổng số đường chính khu vực nội thị) và 2 tiêu chuẩn không đạt điểm, bị khống chế (gồm mật độ dân số đô thị tính trên diện tích đất tự nhiên; mật độ dân số khu vực nội thị tính trên diện tích đất xây dựng đô thị).
Để hoàn thiện các tiêu chí xây dựng Bình Dương trở thành đô thị loại I, ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết trong thời gian tới sở sẽ phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ; thực hiện tốt các chương trình phát triển đô thị, chương trình đột phá đã đề ra. Sở cũng phối hợp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các dự án trọng điểm, mang tính đột phá phát triển kinh tế - xã hội như: Tiếp tục triển khai công trình nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Tri Phương và tuyến nhánh Bàu Bàng - Văn Công Khai, đường trục chính Đông Tây, đường Đông Bắc 2 (TX.Dĩ An); nâng cấp mở rộng đường ĐT743 đoạn từ miếu Ông Cù đi cầu vượt Sóng Thần… để hoàn thiện các tiêu chuẩn đạt nhưng còn thấp và các tiêu chuẩn chưa đạt.
Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định trong năm 2020 tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch hành động triển khai đề án phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017- 2020, đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm mang tính kết nối vùng, sớm đưa các công trình vào sử dụng.
Đối với các công trình chậm tiến độ, tỉnh sẽ sớm xác định nguyên nhân, có giải pháp tháo gỡ cụ thể để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án. Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư, trong đó có nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước, nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư các công trình, dự án đô thị trên địa bàn tỉnh...