Năm 2023, đầu tư toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Để thu hút vốn đầu tư, Bình Dương tham gia xúc tiến đầu tư ở các nước, tổ chức gặp gỡ, đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Bình Dương, cho biết Sở đã xây dựng đường liên kết nhằm tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của nhà đầu tư để kịp thời xử lý.
Sở Kế hoạch Đầu tư cũng xây dựng kênh thông tin qua mạng xã hội, để trực tiếp nắm bắt khó khăn để kịp thời điều phối, trả lời cho doanh nghiệp.
Nhờ tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính, hoạt động thu hút đầu tư nói chung và vốn FDI của tỉnh khả quan.
Ông Ono Masuo - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, cho biết hiện có hơn 300 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động trên địa bàn Bình Dương.
"Việc triển khai xây dựng hạ tầng cơ sở và những dự án thương mại lớn sẽ giúp Bình Dương thu hút nhiều hơn nữa công dân và doanh nghiệp Nhật đến sinh sống và đầu tư", ông Ono Masuo chia sẻ
UBND tỉnh cho biết, tính đến 15/12/2023, Bình Dương đã thu hút 1,495 tỷ USD vốn FDI. Bình Dương đã có 4.195 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký trên 40,3 tỷ USD.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương, năm 2023, dù vốn đăng ký mới chưa có sự đột phá, có chiều hướng chậm lại. Tuy nhiên, vốn đầu tư tăng thêm và vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Bình Dương vẫn tăng đều.
Đặc biệt, ngày càng có nhiều dự án quy mô lớn, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Nổi bật là việc nhiều nhà đầu tư từ Đan Mạch, Hà Lan, Úc, Pháp như Tập đoàn Lego, Tập đoàn Pandora, Tập đoàn Capitaland... đang chọn Bình Dương làm điểm đến.
Theo ông Yeh Ming Yuh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam cho biết năm 2023, công ty gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, Polytex Far Eastern vẫn quyết định gắn bó với Bình Dương. Công ty sẽ tiếp tục đầu tư thêm hơn 250 triệu USD vào tỉnh. Tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm của công ty gần 1,7 tỷ USD, trở thành dự án vốn FDI lớn nhất tại Bình Dương.
Trong năm, nhiều dự án đã xây dựng nhà máy, một số nhà máy đã hoàn thành đưa vào hoạt động. Tập đoàn Cicor (Thụy Sĩ) cũng đã đưa vào vận hành nhà máy thứ tư của mình tại khu công nghiệp VSIP.
Ông Nguyễn Trọng Luật - Giám đốc Công ty Cicor Việt Nam, cho biết việc đầu tư nhà máy thứ tư không chỉ tăng gấp đôi khả năng sản xuất tại Việt Nam, mà còn phát triển thêm khả năng trình độ kỹ thuật trình độ cao.
"Công ty tiếp cận được chính sách hỗ trợ từ địa phương. Nhà máy Cicor ở Bình Dương sẽ cung cấp sản phẩm cho nhiều công ty lớn tại châu Âu và Mỹ", ông Luật chia sẻ.