-Dịch COVID-19 gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế cả nước nói chung, Bình Dương nói riêng. Là một trong những địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp top đầu cả nước, Bình Dương đã có những giải pháp gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, thưa ông?
- Ông Trần Thanh Liêm: Trong quý 1/2020, Bình Dương tiếp tục duy trì ổn định phát triển. Tuy nhiên, trước tình hình ngày càng diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh đã dự báo tình hình phát triển kinh tế, xã hội và đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quý II/2020.
Trong bối cảnh hiện nay, đa phần các doanh nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu ảnh hưởng trực tiếp nhưng trong thời gian tới (quý 2/2020) có khả năng ảnh hưởng dây chuyền do dịch bệnh đã lan rộng ra hầu hết các thị trường nhập khẩu chính của Bình Dương, đặc biệt, là thị trường Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản…Ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương
Ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương
Trước tình hình đó, tỉnh Bình Dương vừa thông qua những giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh đảm, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó hiệu quả dịch COVID-19. Đây là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay của Bình Dương.
Địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đề ra tại các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành Trung ương về phòng chống dịch, tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
-Quý 1/2020 là thời gian dịch COVID-19 bùng phát, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế chung của đất nước. Về phía Bình Dương, kết quả đạt được như thế nào, thưa ông?
-Trong quý đầu của năm 2020, Bình Dương đã thu hút được gần 9.527 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, có 1.159 DN mới đi vào hoạt động (tăng 153 DN), lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 43.757 DN trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 374.180 tỷ đồng. Trong khi đó, thu hút đầu tư nước ngoài 293,5 triệu USD (bằng 54% cùng kỳ), lũy kế đến nay, Bình Dương có 3.816 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 34,6 tỷ USD.
Tuy kinh tế của Bình Dương tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, nhưng do ảnh hưởng của bệnh dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, nên tình hình kinh tế, xã hội của Bình Dương đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, thu ngân sách của tỉnh quý 1/2020 ước đạt 17.140 tỷ đồng, đạt 28% dự toán.
Doanh nghiệp ở Bình Dương đang nỗ lực vượt khó thời COVID-19
Đặc biệt, một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh như thương mại nội địa, hoạt động du lịch… Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng nhưng thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ước đạt ước đạt 5,8 tỷ USD, tăng 3,6%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2019.
-Trước dự đoán thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch COVID-19 gây ra, vậy Bình Dương sẽ làm gì để duy trì sự ổn định kinh tế và xã hội?
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tỉnh Bình Dương đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp dương tính với Covid-19.
Theo báo cáo, có trên 30 doanh nghiệp đã phải cho công nhân nghỉ luân phiên, cắt giảm 30 - 50% lực lượng lao động. Dự kiến thời gian tới nếu thị trường Mỹ và châu Âu không phục hồi thì số lượng doanh nghiệp giảm năng lực sản xuất hoặc ngưng hoạt động sẽ tăng.
Quý II/2020, Bình Dương tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; chủ động nắm tình hình sản xuất kinh doanh, lao động của doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ kịp thời; thực hiện kế hoạch bình ổn thị trường hàng thiết yếu ứng phó dịch bệnh; theo dõi chặt chẽ tình hình thu, chi ngân sách nhà nước. Đặc biệt, theo dõi tình hình lao động, việc làm tại các doanh nghiệp; có phương án tìm nguồn lao động thay thế trong trường hợp thiếu hụt lao động, chuyên gia nước ngoài.
Trên tinh thần đó, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương có chương trình, giải pháp cụ thể như: Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh; tập trung xử lý vướng mắc về lao động; đẩy mạnh thông tin truyền thông.
-Đã có những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?
Việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh là hết sức cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Bình Dương quyết liệt chống dịch nhưng phải đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đã đề ra. Các đơn vị tập trung quán triệt, khẩn trương có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và chỉ đạo thực hiện ngay kế hoạch.
Ngoài ra, để ngăn chặn kịp thời sự lây lan của dịch bệnh, thường xuyên quán triệt đến toàn thể cán bộ công chức thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng, chống dịch như tăng cường các hoạt động dọn dẹp về sinh nơi làm việc; đeo khẩu trang khi tiếp xúc với khách hàng; không tổ chức, tham gia, tập trung đông nơi người; khách hàng đến liên hệ công tác điều phải đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang.
Ngoài ra, các đơn vị xây dựng kịch bản ứng phó với tình huống có công chức nhiễm bệnh, tình huống trụ sở bị cách ly để sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Thực hiện, giải pháp rút ngắn thời gian làm thủ tục cho doanh nghiệp; công dân.
“Bình Dương chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Song song công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả do dịch gây ra, Bình Dương tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp; khẩn trương tham mưu UBND tỉnh các Tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp HĐND tỉnh giữa năm 2020”, ông Trần Thanh Liêm – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nói.