Song song “kỳ tích”, Bình Dương đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn để phát triển trong giai đoạn mới.
Bài toán vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”
Từ một tỉnh có thu nhập thấp, sau hơn 20 năm, GRDP bình quân đầu người của Bình Dương đã ở mức thu nhập trung bình cao: 7.000 USD/người/năm, tương đương với Thái Lan. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ gặp phải “bẫy thu nhập trung bình” của Bình Dương sẽ sớm hơn các địa phương khác trên cả nước.
Theo ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, vượt qua thách thức nói trên và trở thành một vùng đất có thu nhập cao không chỉ là bài toán phát triển về kinh tế, mà còn là một bài kiểm tra về năng lực quản trị của Bình Dương. Chính vì thế, Bình Dương càng cần phải sớm đổi mới mô hình phát triển, tập trung vào phát triển những hệ sinh thái kiểu mới, hệ sinh thái công nghiệp thông minh, lấy đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ làm động lực, lấy việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm trọng tâm, trên nền tảng triết lý phát triển.
GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, muốn vượt qua thách thức “bẫy thu nhập trung bình”, tỉnh Bình Dương phải tìm ra những nguồn lực tăng trưởng mới, phương thức tăng trưởng mới, tạo ra năng suất cao hơn, dư địa để duy trì được đà tăng trưởng rất cao như thời gian vừa qua. Một trong những nguồn lực tăng trưởng mới, dư địa mới mang tính chất bền vững thân thiện với môi trường, bắt kịp với xu thế của thời đại chính là phát triển kinh tế số, sẽ là động lực tăng trưởng của Bình Dương.
Theo GS.TS Đạt, Bình Dương đặt mục tiêu phấn đấu phát triển kinh tế số với giá trị đạt được chiếm khoảng 30% GRDP vào năm 2025 (cao hơn mức đạt được của cả nước); đến năm 2030 trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước; đến năm 2045 trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực châu Á.
Bình Dương cần ưu tiên, tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, mang lại các giá trị mới, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cần chuyển nhanh từ Chính quyền điện tử sang Chính quyền số và cách tiếp cận triển khai chuyển đổi số toàn diện của tỉnh theo 3 trục: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
GS.TS Đạt nhấn mạnh, con người là yếu tố then chốt trong việc phát triển kinh tế số: “Đòi hỏi nhân lực có trình độ cao hơn, vừa am hiểu những kỹ năng áp dụng công nghệ mới, vừa giải quyết được những bài toán về dữ liệu, với tư cách là một đầu vào của quá trình sản xuất, của phương thức sản xuất kinh tế số. Do vậy đòi hỏi phải đào tạo lại đội ngũ nhân lực hiện có, đồng thời phải đào tạo mới đội ngũ nhân lực để có thể tiếp thu và sử dụng có hiệu quả phương thức sản xuất mới này”.
Không để Bình Dương đơn độc tiến về phía trước
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, ngay sau khi tách từ tỉnh Sông Bé, Bình Dương có 2 thay đổi quan trọng là xây dựng khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) kiểu mới, hiện đại và thông minh. Đây là sáng kiến phát triển quan trọng từ sự hợp tác giữa Việt Nam – Singapore, được vận hành thực tế và sớm, được xác nhận là một hình mẫu thành công.
Bên cạnh đó, Bình Dương đột phá cải cách "xin cơ chế chứ không xin tiền”, là một bước tiến có ý nghĩa lịch sử trong nỗ lực thoát khỏi cơ chế “xin – cho” còn chưa thành công trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế. Sự thay đổi công thức phát triển của Bình Dương đã tạo được đột phá chiến lược.
Tuy nhiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Bình Dương với những đột phá “đi sau mà về trước”, tạo nên những “kỳ tích” nhưng song song với đó là nguy cơ bị sai sót, nhiều rủi ro. Vì vậy, các cơ quan trung ương cần đồng hành, không để các địa phương năng động, có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước bị đơn độc trong quá trình phát triển đi lên.
“Bình Dương phải tiên phong đề xuất với Trung ương phải có thể chế, nếu không một mình Bình Dương cực kỳ rủi ro. Cần phải có một sự hợp lực, sự liên kết. Bình Dương không thể đi một mình” - PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch cho rằng, để phát triển bền vững, Bình Dương đang đứng trước 3 thách thức lớn. Cụ thể, cơ chế quản lý nhà nước trên địa bàn còn nhiều bất cập, chưa phát huy sự năng động, sáng tạo; tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc huy động nguồn lực cho sự phát triển. Đây cũng là tình hình chung của các địa phương có điều kiện phát triển nhanh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Quốc hội, Chính phủ đang có nhiều nỗ lực tháo gỡ những điểm nghẽn về thế chế, nhưng trên thực tế vẫn đang là trở lực đối với những địa phương có điều kiện phát triển nhanh, có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.
TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh, cần đặt sự phát triển của tỉnh Bình Dương theo quan điểm kinh tế vùng, nhất là “tứ giác phát triển” của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cần có cơ chế liên kết vùng để tạo ra một cộng đồng phát triển năng động nhất của cả nước, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
“Tôi tin rằng sắp tới trong đổi mới thể chế thì cũng tạo điều kiện tự chủ hơn cho các địa phương trong vấn đề phát triển. Như vậy, gỡ về hạ tầng, thể chế và các địa phương tập trung liên kết hình thành thị trường lao động chung, đào tạo nguồn nhân lực chung. Ba mặt này sẽ tạo một thế mới, trong đó công nghệ số và và kinh tế số sẽ thúc đẩy vùng này trong một giai đoạn mới” - TS. Trần Du Lịch nói.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải xây dựng “hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển xanh, thông minh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau”, mục tiêu của Bình Dương trong những năm tới là trở thành trung tâm, động lực liên kết vùng, tiếp tục là hình mẫu địa phương trong nỗ lực vượt qua "bẫy thu nhập trung bình", phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, cùng với cả nước hiện thực hóa tầm nhìn và mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.