Những ngôi nhà sàn ít ỏi trong bản Ngọn (Yên Hòa- Tương Dương). Ảnh: Hồ Phương
Bản Ngọn, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương (Nghệ An) nằm dọc Quốc lộ 48C. Khách vãng lai dễ nhầm xóm nhỏ người Thái này với một làng kinh tế mới dưới xuôi lên lập nghiệp. Phần lớn nhà cửa bên đường đều xây cất nom khá khang trang. Nhìn kỹ mới thấy những ngôi nhà sàn nép mình sau nhà xây ở phía sau. Ngay giữa bản là một nhà nghỉ với những quán cà phê càng khiến cho nơi đây thêm "sầm uất" với những bản làng lân cận.
Bản Ngọn từng phồn thịnh bậc nhất mấy xã vùng trong của huyện Tương Dương. Các xã Yên Hòa, Yên Thắng, Yên Na, Yên Tĩnh được gọi chung là vùng “4 Yên”, là “rốn vàng” của miền Tây xứ Nghệ và bản Ngọn từng là nơi khai thác vàng nhộn nhịp nhất. Bến Văng Hón ngay cạnh bản còn gọi là bến “vàng”.
Chiếc máy dùng để khai thác vàng giờ đây chỉ còn là vật kỷ niệm với người dân bản Ngọn. Ảnh: Hữu Vi
Người vùng “4 Yên” rất tự hào về những thứ trời phú cho làng bản. Họ hát rằng “Mường Xiềng Yên, nhặt vàng dễ như nhặt tằm trong rổ”. Sau giờ làm rẫy người bản Ngọn xuống suối đãi vàng đem bán. Tiền bạc, tiêu pha chẳng phải nghĩ ngợi gì.
Ông Lô Văn Mận, nguyên là Xã đội trưởng xã Yên Hòa kể rằng: Từ những năm 1990, khi những tàu vàng còn chưa ồ ạt kéo đến, chỉ bằng những công cụ thô sơ, một ngày, một người có thể dễ dàng kiếm được từ 5 phân đến một chỉ vàng.
Tiền kiếm dễ, tiêu cũng dễ. Trừ một vài nhà có ý thức tích trữ nên cho đến giờ họ vẫn có bát ăn bát để. Còn nữa phần lớn, tiền của đều lần lượt ra đi. Đến rồi đi như một giấc mộng. Không ít người dính vào cờ bạc, nghiện nghập. Tiền kiếm được từ đãi vàng sa khoang đều nương vào những làn khói trắng và mấy trò đỏ đen thâu đêm suốt sáng.
Chiếc xúc để người dân bản Ngọn dùng để lấy đất trong việc khai thác vàng. Ảnh: Hồ Phương
“Trời nó không cho mình mãi được. Cái gì rồi cũng sẽ cạn kiệt.” – sau khi rít xong điều thuốc lào, ông Mận tiếp tục câu chuyện. Từ cuối những năm 90, những tàu khai thác vàng đến từ Thái Nguyên, Nam Định, từ T.P Vinh và trên địa bàn huyện Tương Dương đồng loạt kéo đến.
Có thời điểm, chỉ riêng ở khúc sông Hội Nguyên qua bản Ngọn có đến cả chục tàu vàng. Những người thức thời nhất ở địa phương cũng nhìn thấy cơ hội làm ăn, họ cũng đua theo hùn vốn mua máy hút đãi vàng. Bản Ngọn trở thành công trường khai thác vàng thực sự, hoạt động suốt ngày đêm.
Bản nhỏ chỉ trên dăm chục hộ dân bỗng chốc trở nên nhộn nhịp chưa từng thấy. Người xa kẻ gần đua nhau đào bới. Dòng sông Hội Nguyên suốt một thời gian dài luôn đỏ quạch một màu chết chóc. Chẳng cá tôm nào có thể tồn tại được. Ruộng nương từ đó bỏ hoang.
Công trường vàng càng dễ bề hoạt động hơn khi Quốc lộ 48C thông tuyến vào năm 2003. Đó cũng là thời kỳ bản Ngọn và những làng bản lân cận giàu lên trông thấy. Họ đua nhau sắm xe, làm nhà. Một chủ bưởng vàng ở gần đó sở hưu cả một nhà nghỉ, quán karaoke, cà phê, ô tô, máy đào. Nhà cửa đua nhau mọc lên.
Đàn ông ở bản Ngọn ngày nay trở lại việc lên rừng trồng cây, đan lát... Ảnh: Hữu Vi
Chỉ mới cách đây dăm năm, việc khai thác vàng ở bản Ngọn diễn ra sôi động lắm. Cho đến giữa thập niên đầu tiên của thế kỳ 21, lòng sông Hội Nguyên vẫn ngầu đỏ, đặc quánh. Lúc đó chính quyền địa phương dường như bất lực trước vấn nạn khai thác vàng diễn ra trên địa bàn. Những tàu vàng chỉ rút đi vào từ năm 2012 khi chính quyền địa phương đẩy mạnh việc trấn áp những đối tượng khai thác vàng trái phép diễn ra trên địa bàn.
Đó cũng là lúc vàng đã cạn kiệt. Người ta rời đi đơn giản chỉ vì không còn vàng sa khoáng để khai thác.
Bản Ngọn và các quần cư lân cận trở lại vẻ yên tính vốn dĩ của nó. Những tàu vàng bỏ đi để lại một dòng sông chết kéo dài trên 20km từ xã Yên Hòa ra xã Tam Quang. Suốt một vài năm sau đó, người ta mới có thể đánh cá trở lại.
Những năm tháng phồn thịnh qua nhanh như một giấc mộng. Chỉ sau đó ít lâu người ta tiêu đến đồng tiên cuối cùng có được từ việc đãi vàng. Những quán cà phê và ngôi nhà nghỉ dần vắng khách. Người ta bắt đầu giảm giá đặt phòng xuống; Mỗi giờ hát karaoke chỉ còn lại 100.000 đồng những vẫn rất ít người tìm đến.
Phụ nữ bản Ngọn trở về với việc chăn trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ảnh: Hồ Phương
Ông Nguyễn Văn Toàn, từng sở hữu một máy khai thác vàng giờ ngồi đan gùi nứa đem bán. Chiếc máy nổ công suất lớn đặt cạnh đống củi đã han rỉ. Ông bảo trước đây mấy năm còn dùng để phát điện. Nhưng nay máy đã hỏng, chỉ còn chờ bán phế liệu. Đó cũng là một trong những kỷ vật cuối cùng của một thời kỳ thịnh vượng của một bưởng vàng còn giữ lại được.
Mỗi ngày, ông Toàn đan được 3 chiếc gùi. Người ta mua 30.000 đồng mỗi chiếc. Nếu ngày nào cũng bán được gùi thì mỗi thu nhập của ông Toàn còn qua ngày, đoạn tháng.
Một góc của bản Ngọn. Ảnh: Hữu Vi
Trong một buổi chiều muộn, bản Ngọn giờ bình lặng như bao nhiêu bản làng người Thái khác. Ông Lương Văn Tấn - Trưởng bản chia sẻ, cả bản giờ còn 65 hộ dân với 240 nhân khẩu. Gần đây nhiều dân bản đã phải nhờ vào chính sách hỗ trợ gạo, muối từ nhà nước.