Một số chuyên gia cho rằng thế giới đang ở "bình minh của kỷ nguyên không gian mới" sau khi hàng loạt tỷ phú đình đám như Jeff Bezos, Elon Musk hay Richard Branson công bố các dự án về vũ trụ.
Có thể nói, 2021 là một bước ngoặt lớn đối với lĩnh vực khám phá và du lịch không gian. Nhiều dự án do các tỷ phú hàng đầu hậu thuẫn đã giới thiệu các chuyến bay thương mại lên không gian và thu hút được đông đảo sự chú ý.
Tháng 7 năm ngoái, tỷ phú Richard Branson cùng 5 hành khách khác đã thực hiện chuyến bay dài 90 phút vào khí quyển Trái Đất. Chỉ 10 ngày sau đó, Jeff Bezos – người sáng lập Blue Origin, cũng thực hiện chuyến bay tương tự. Tên lửa của Blue Origin chở ông chủ Amazon và 3 hành khách khác đã bay đến rìa không gian, vượt qua cột mốc mà Richard Branson đạt được trước đó.
Đến tháng 9, công ty hàng không vũ trụ SpaceX của Elon Musk đã đưa một phi hành đoàn dân sự gồm 4 người lên quỹ đạo Trái Đất trong cuộc hành trình kéo dài 3 ngày.
Trước đó, Bill Gates được coi là tỷ phú đầu tiên theo đuổi giấc mơ vệ tinh. Năm 1994, ông và một đồng nghiệp đã đầu tư 5 triệu USD vào công ty Teledesic để phóng 840 vệ tinh lên quỹ đạo để cung cấp Internet cho thế giới. Công ty này nhận tổng cộng khoảng 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, việc phóng vệ tinh được dời từ năm 2001 sang năm 2004 và số lượng vệ tinh giảm xuống còn 300. Dù kế hoạch của Teledesic không biến thành hiện thực vì họ phá sản năm 2002 nhưng nó cho thấy tiềm năng của những dự án liên quan đến không gian.
Nhiều chuyên gia trong ngành cho biết thành công ban đầu của những dự án của Elon Musk, Jeff Bezos và Richard Branson đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư tư nhân. Theo CNBC, khoản đầu tư vào các startup về không gian đã tăng gần gấp đôi từ năm 2018 đến năm 2019. Năm ngoái, các công ty vũ trụ đã huy động được số tiền kỷ lục 14,5 tỷ USD.
Elon Musk và Jeff Bezos là những tỷ phú đang điều hành những công ty giá trị nhất thế giới từ trước đến nay. Không chỉ thay nhau giữ vị trí người giàu nhất hành tinh, họ còn cạnh tranh nhau trong cuộc đua vào không gian. Tham vọng của họ bao gồm phát triển du lịch vũ trụ và thậm chí là phát triển khu định cư của con người trên Mặt trăng và Sao Hỏa.
SpaceX của Elon Musk có tham vọng thực hiện chuyến bay lên Sao Hỏa vào năm 2026. Đến nay, công ty đã phóng gần 70 tên lửa cũng như giành được nhiều hợp đồng béo bở với NASA, Không quân Mỹ và cơ quan vũ trụ của Argentina. Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa là khách du lịch Mặt trăng đầu tiên của SpaceX.
Không giống Bill Gates, Elon Musk đã tiến rất gần đến giấc mơ Internet toàn cầu. Công ty Starlink của ông đã phóng 1.800 vệ tinh lên quỹ đạo và bắt đầu thử nghiệm công nghệ này tại 12 quốc gia. Ước tính, Starlink hiện có khoảng 100.000 khách hàng. Dự kiến, con số trên sẽ tăng lên 500.000 trong năm nay. Theo một dự báo, công ty của Elon Musk có thể đạt doanh thu 30 tỷ USD mỗi năm và có 25 triệu khách hàng trong tương lai không xa.
Cũng giống đối thủ SpaceX, Blue Origin của Jeff Bezos đặt mục tiêu giảm chi phí du hành vũ trụ bằng cách chế tạo tên lửa có thể tái sử dụng. Công ty cũng đã nhận được một số hợp đồng với chính phủ Mỹ. Trong tương lai, Jeff Bezos muốn thiết lập quan hệ đối tác với NASA để đánh giá khả năng định cư trên Mặt trăng của con người.
Ảnh: Internet.
Về phần mình, Richard Branson tập trung chủ yếu vào việc phát triển máy bay không gian có thể tái sử dụng để tổ chức các chuyến đi ngắn đưa khách du lịch vào không gian. Công ty Virgin Galactic của ông đã bắt đầu bán vé với giá 250.000 USD và đến nay, đã có nam ca sĩ Justin Bieber mua vé.
Chính phủ Mỹ dường như cũng đang rất quan tâm đến việc tăng cường chỗ đứng của NASA trong lĩnh vực không gian. Năm nay, NASA có kế hoạch phóng một trạm vũ trụ lên quỹ đạo của Mặt trăng và hợp tác với SpaceX để gửi một phi hành gia lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Tuy nhiên, thực tế là không chỉ nước Mỹ và các tỷ phú Mỹ đang ra sức để trở thành người đi đầu trong lĩnh vực không gian. Nga và Trung Quốc cũng đang tìm cách xây dựng trạm nghiên cứu trên hoặc xung quanh Mặt trăng.
Một chuyên gia nhận định rằng một kỷ nguyên mới của công nghệ không gian đang diễn ra trên thế giới. Tuy nhiên, có một thực tế là không phải ai cũng hứng thú với du lịch không gian, đơn giản là vì họ không có đủ tiền.
Hầu hết người Mỹ muốn quốc gia này tiếp tục dẫn đầu trong lĩnh vực khám phá không gian nhưng một khảo sát năm 2018 cho thấy họ còn muốn chính phủ Mỹ và các tỷ phú quan tâm hơn đến những vấn đề cấp bách ở Trái Đất.
Nhiều người kêu gọi các tỷ phú quan tâm hơn đến vấn đề biến đổi khí hậu (Ảnh: Internet).
Họ cho rằng thay vì bỏ ra khoản tiền khổng lồ cho lĩnh vực không gian, Jeff Bezos, Richard Branson hay Elon Musk có thể quyên góp tiền để góp phần giải quyết những vấn đề như công bằng tiền lương cho người lao động, phúc lợi xã hội, biến đổi khi hậu hay nạn đói.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo cũng như làm suy yếu hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới như hiện nay, mọi người lại càng hi vọng các tỷ phú quan tâm hơn đến những điều cấp thiết trong cuộc sống của hàng triệu người.
Nguồn: Vox, TH