Đến nay qua khảo sát cho thấy có khoảng 40% diện tích cây điều sinh trưởng phát triển tốt; khoảng 40% diện tích cây điều bị sâu bệnh hại đã được chăm sóc, đang ra chồi, lá non, có chiều hướng phục hồi khá. Đáng chú ý, vẫn còn khoảng 20% diện tích cây điều còn lại phục hồi kém hoặc chưa có biểu hiện phục hồi, trên cây còn cành khô, lá khô, chưa đâm chồi...
Nông dân xịt thuốc phòng trừ sâu bệnh cho vườn điều. Ảnh: H.K
Ông Doãn Văn Chiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh nhận định, hiện các vườn điều Bình Phước đang trong giai đoạn già đi, phần lớn diện tích đang bị sâu bệnh hại và sinh trưởng phát triển kém. Theo ông, có đến 80% diện tích điều của tỉnh trồng bằng hạt không qua chọn giống, do đó phẩm chất cây không đồng đều, năng suất thấp, vườn điều sinh trưởng kém.
Ngoài ra, có gần 33.000ha là diện tích điều hoàn toàn quảng canh, không chăm sóc thâm canh. Khi mưa ẩm phát sinh bệnh hại, diện tích này không được phun thuốc phòng trừ, từ đó trở thành ổ bệnh lây lan sang các diện tích lân cận. Đáng chú ý, hiện có đến 75% diện tích vườn điều đã trên 15 năm tuổi, trong đó diện tích trên 25 tuổi chiếm 30%. Với độ tuổi này, vườn điều đang chuyển sang già cỗi và bị sâu bệnh hại dẫn đến sinh trưởng phát triển kém.
Sở NNPTNT Bình Phước đang đề xuất tỉnh xem xét hỗ trợ người trồng điều, trong đó có việc hỗ trợ cây điều giống cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số để giúp các hộ cải tạo các vườn điều già cỗi, năng suất thấp. Tổng cộng trên địa bàn tỉnh có gần 5.800ha điều của đồng bào dân tộc thiểu số cần được tái canh để mang lại năng suất cao hơn.