Qua tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng thu mua tiêu non trên địa bàn huyện Bù Đốp xuất hiện từ trước tết Nguyên đán đến nay. Chỉ riêng ấp Tân Phong, xã Tân Thành đã có gần 50 hộ dân bán tiêu non, hộ ít nhất thì vài chục kilôgam, hộ nhiều đến vài trăm kilôgam.
Chị Bùi Thị Bình ở ấp Tân Phong, xã Tân Thành cho rằng, bán tiêu non được lợi hơn so với tiêu khô ở thời điểm này.
Người dân cho biết, tình trạng thu mua tiêu non mới diễn ra trong niên vụ 2019-2020, hiện giá thu mua dao động từ 8-11 ngàn đồng/kg. Mặc dù giá không cao, tuy nhiên trong thời điểm giá hạt tiêu khô chỉ dao động từ 30-40 ngàn đồng/kg, nhiều hộ nông dân cho rằng bán tiêu non vẫn có lời.
Là một trong những hộ đầu tiên bán tiêu non cho thương lái, chị Bùi Thị Bình ở ấp Tân Phong, xã Tân Thành cho biết: Gia đình có gần 1.500 trụ tiêu. Trước tết Nguyên đán, một số thương lái đến tận vườn đề nghị thu mua tiêu non với giá 11 ngàn đồng/kg.
Vì không có tiền mua sắm trong dịp tết, mặt khác, nhận thấy 3kg hạt tiêu tươi sau xử lý qua nhiều công đoạn thì chỉ được 1kg tiêu khô nên việc bán tiêu non vẫn có lợi. Vì vậy, chị Bình đã không ngần ngại bán cho thương lái gần 500kg hạt tiêu non và cũng không quan tâm việc thương lái mua với mục đích gì.
Chị Bình nói: “Thấy họ thu mua thì mình bán, lúc đầu được giá 10-11 ngàn đồng/kg nhưng sau đó chỉ còn 8 ngàn đồng/kg. Trong năm kẹt tiền nên tôi đã bán một số, giờ không bán nữa vì tiêu già rồi để xay ra bán. Ngoài gia đình tôi, ở khu vực này cũng có vài hộ bán như vậy nhưng chủ yếu là các vườn tiêu xấu, tiêu ít trái...”.
Tương tự, hộ ông Trần Văn Lương ở gần đó cho biết, gia đình ông có hơn 1.000 trụ tiêu, trước tết Nguyên đán cũng có nhiều người vào hỏi mua tiêu non nhưng ông không bán mà để chờ giá tăng. Hiện nay, tiêu đã già nhưng thương lái cũng chỉ thu mua với giá 8 ngàn đồng/kg.
Mặc dù giá thấp nhưng người trồng tiêu chấp nhận bán vì không phải mất nhiều thời gian phơi khô, bảo quản mà giá bán chưa tới 40 ngàn/kg đối với tiêu đạt chuẩn, còn tiêu xấu chỉ trên dưới 30 ngàn đồng/kg.
Qua thông tin thu thập từ người dân địa phương được biết, đa số thương lái đều là người địa phương. Khi mua tiêu non, thương lái trực tiếp đến từng vườn để lựa mua.
Tìm hiểu về việc mua tiêu non nhằm mục đích gì thì một số người dân cho rằng thương lái mua về trộn vào tiêu khô kiếm lời, còn số khác nói mua để bán cho Trung Quốc, phần đông lại cho rằng họ gom hàng để bán cho công ty sản xuất tinh dầu tại Gia Lai để làm thực phẩm chức năng...
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, quyền Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp Nguyễn Văn Bắc khẳng định: Bù Đốp là một trong những thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, việc bán tiêu non có xảy ra trên địa bàn huyện nhưng diễn ra không nhiều mà chủ yếu ở những vườn không đạt năng suất.
"Trước thực trạng nêu trên, trung tâm khuyến cáo hộ nông dân không nên chỉ thấy cái lợi trước mắt mà bán tiêu non, phải tập trung chăm sóc vườn cây đúng quy trình kỹ thuật để đạt năng suất cao, bên cạnh đó cần tìm hiểu xem thương lái mua tiêu non mang đi đâu, nhằm mục đích gì? Đặc biệt, sau khi bán tiêu non, các hộ cần lưu ý, theo dõi chặt chẽ sự phát triển của vườn tiêu để có biện pháp chăm sóc, phục hồi cho cây...", ông Nguyễn Văn Bắc. |