Theo quy hoạch, Khu du lịch quốc gia Mũi Né sẽ phát triển trở thành điểm đến hấp dẫn, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống du lịch của vùng Duyên hải miền Trung và cả nước. Phấn đấu đến năm 2030, đưa Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Khu du lịch này cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 đón 9 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế là 1,5 triệu lượt) với tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 24.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 24.000 lao động trực tiếp.
Đến năm 2030 ước đón được 14 triệu lượt khách (khách quốc tế đạt trên 2,5 triệu lượt) và nâng tổng doanh thu từ khách du lịch lên khoảng 50.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 45.000 lao động…
Quyết tâm thực hiện theo quy hoạch, địa phương và ngành du lịch đang tích cực triển khai những giải pháp phù hợp điều kiện, tình hình hiện nay để nỗ lực đạt mục tiêu đề ra. Ngay trong năm 2019 và những năm tiếp theo sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn quản lý du lịch chuyên nghiệp về Bình Thuận.
Từ đó, hai năm trở lại đây, tỉnh Bình Thuận trở thành điểm đến hấo dẫn của nhiều nhà đầu tư BĐS trong và ngoài nước. Trong đó, nhiều nhà đầu tư đã triển khai xây dựng và đi vào kinh doanh có dự án Sea Links Mũi Né - Việt Nam, Ocean Vista, Sentosa Villa, khu biệt thự cao cấp Minh Thành. Hay một số dự án đang tiến hành đầu tư như khu biệt thự cao cấp Thái Sơn, khu biệt thự nghỉ dưỡng Suối Nhum - Thuận Quý, khu du lịch Hòn Lan, khu biệt thự Casalavada, Aloha Beach Villge, Goldsand Hill Villa…
Một số nhà đầu tư lớn khác như Novaland, FLC, Thắng Lợi, Hưng Thịnh... cũng đang khởi động nhiều dự án nghỉ dưỡng quy mố lớn tại những khu vực ven biển Phan Thiết. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, hiện tại địa bàn vẫn còn rất nhiều dự án BĐS chậm triển khai nhiều năm liền, mặc dù chính quyền địa phương đã liên tiếp chấp thuận gia hạn đầu tư, nhưng đến nay vẫn không tìm được "tung tích" một số chủ đầu tư để thực hiện các thủ tục liên quan.
Dự án khu du lịch Hương Hải của Công ty TNHH Hương Hải được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2010 với diện tích 25 ha (đất hộ gia đình, cá nhân 19,3 ha). Dự án chưa triển khai do vướng đền bù. Công ty Hương Hải đã thương lượng đền bù cho 5/11 hộ với diện tích 3,8 ha; 6 hộ còn lại đang thỏa thuận đền bù. Hiện tại chưa có đường vào dự án nên khó khăn cho việc san lấp, xây dựng hạ tầng.
Tuy nhiên, UBND tỉnh yêu cầu công ty phải hoàn thành công tác đền bù, giải tỏa trong năm 2018. Trường hợp công ty không hoàn thành thì UBND tỉnh sẽ điều chỉnh giảm diện tích hoặc chấm dứt hoạt động.
Dự án khu du lịch sinh thái Hồng Phúc của Công ty cổ phần khách sạn nhà hàng Hồng Phúc được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ giữa năm 2010 với diện tích khoảng 20 ha (trong đó, đất hộ gia đình cá nhân 8,84 ha). Công ty đã thương lượng đền bù được 5 hộ với diện tích 3,1 ha; còn 2 hộ dân và 2 công ty (An Thiên Lý, Hải Thuận) chưa thỏa thuận đền bù được.
Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Thiên Lý II của Công ty cổ phần đầu tư An Thiên Lý với diện tích 45 ha, hiện dự án còn vướng đền bù với một số hộ dân do đòi giá đền bù quá cao nên chưa thỏa thuận được. Mặt khác, còn vướng khoảng 5,8 ha diện tích thăm dò khoáng sản…
Trên cơ sở đó, phân loại, UBND tỉnh Bình Thuận vừa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo các dự án không tích cực triển khai đền bù hoặc không thỏa thuận được, không tích cực phối hợp với địa phương trong việc đền bù, giải tỏa để đề xuất UBND tỉnh thu hồi dự án.
Một trong nhiều dự án nghỉ dưỡng tại Mũi Né xây xong bỏ hoang gần chục năm nay.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, sắp tới đây Sở Kế hoạch - Đầu tư Bình Thuận sẽ mời chủ đầu tư các dự án nêu trên để quán triệt nội dung liên quan. Đồng thời hướng dẫn các chủ đầu tư có văn bản cam kết cụ thể tiến độ triển khai dự án trong thời gian được gia hạn, trường hợp dự án không thực hiện đúng theo nội dung cam kết thì sở chức năng kiên quyết trình UBND tỉnh thu hồi dự án và sẽ không giải quyết bất kỳ kiến nghị nào của chủ đầu tư.
Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất thu hồi 20 dự án, trong đó tại TP Phan Thiết sẽ thu hồi 8 dự án, chủ yếu tại khu Mũi Né; huyện Hàm Thuận Nam có 12 dự án. Tiếp tục rà soát các dự án còn lại, đề xuất UBND tỉnh xử lý các dự án chậm triển khai mà không có lý do chính đáng.
Đồng thời để tránh tình trạng chủ đầu tư không có nguồn lực tài chính, đăng ký rồi để đó chờ sang nhượng, giữ đất… gây lãng phí những khu "đất vàng" nguồn tài nguyên du lịch, các cấp, ngành chức năng cần mạnh tay hơn nữa để xử lý những dự án du lịch chậm triển khai.