Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Thuận cũng chấp nhận cho gia hạn 6 tháng đối với 18 dự án du lịch khác để chủ đầu tư tiếp tục thực hiện đền bù, giải tỏa, hoàn chỉnh hồ sơ đất đai, cấp phép xây dựng và tiếp tục triển khai thi công dự án. Đây là những dự án nghỉ dưỡng nằm dọc bờ biển của tỉnh, kéo dài từ trung tâm Mũi Né đến Kê Gà, đã được gia hạn thời gian triển khai nhiều lần trước đây.
Riêng với những trường hợp dự án hiện còn đang vướng đền bù giải tỏa, tỉnh yêu cầu đến trước ngày 31/12/2018 phải thực hiện xong công tác này (ngoại trừ các dự án mới cấp Quyết định chủ trương đầu tư). Nếu sau thời hạn mà vẫn chưa triển khai thực hiện hoàn thành thì yêu cầu các chủ đầu tư đưa phần diện tích chưa thỏa thuận đền bù xong ra khỏi dự án, hoặc chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án…
Thực hiện ý kiến chỉ đạo, sắp tới đây Sở Kế hoạch - Đầu tư Bình Thuận sẽ mời chủ đầu tư các dự án nêu trên để quán triệt nội dung liên quan. Đồng thời hướng dẫn các chủ đầu tư có văn bản cam kết cụ thể tiến độ triển khai dự án trong thời gian được gia hạn, trường hợp dự án không thực hiện đúng theo nội dung cam kết thì sở chức năng kiên quyết trình UBND tỉnh thu hồi dự án và sẽ không giải quyết bất kỳ kiến nghị nào của chủ đầu tư.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, hiện trên địa bàn Bình Thuận có gần 400 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 56.500 tỷ đồng (có 23 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 13.060 tỷ đồng). Các dự án du lịch ven biển của tỉnh được rất nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm.
Song song dó, trên địa bàn tỉnh còn có 40 dự án trên nhiều lĩnh vực cam kết đầu tư trong thời gian tới, trong đó có lĩnh vực du lịch và dịch vụ với tổng vốn đăng ký khoảng 126.000 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án Trung tâm dịch vụ du lịch Hàm Tiến – Mũi Né quy mô 198 ha với tổng vốn tạm tính gần 500 triệu USD và nhiều khu du lịch khác sẽ hình thành trong tương lai.