Trong đó 10 dự án đã đầu tư và đi vào hoạt động kinh doanh, chiếm 25,6%; 6 dự án có tác động xây dựng hoặc đang triển khai xây dựng dở dang, chiếm 15,4%. 24 dự án chậm triển khai.
Trong khi đó, tại TP Phan Thiết, hiện vẫn còn rất nhiều dự án BĐS chậm triển khai nhiều năm liền, mặc dù chính quyền địa phương đã liên tiếp chấp thuận gia hạn đầu tư, nhưng đến nay vẫn không tìm được "tung tích" một số chủ đầu tư để thực hiện các thủ tục liên quan.
Điển hình như dự án khu du lịch Hương Hải của Công ty TNHH Hương Hải được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2010 với diện tích 25 ha (đất hộ gia đình, cá nhân 19,3 ha). Dự án chưa triển khai do vướng đền bù. Công ty Hương Hải đã thương lượng đền bù cho 5/11 hộ với diện tích 3,8 ha; 6 hộ còn lại đang thỏa thuận đền bù. Hiện tại chưa có đường vào dự án nên khó khăn cho việc san lấp, xây dựng hạ tầng.
Dự án khu du lịch sinh thái Hồng Phúc của Công ty cổ phần khách sạn nhà hàng Hồng Phúc được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ giữa năm 2010 với diện tích khoảng 20 ha (trong đó, đất hộ gia đình cá nhân 8,84 ha). Công ty đã thương lượng đền bù được 5 hộ với diện tích 3,1 ha; còn 2 hộ dân và 2 công ty (An Thiên Lý, Hải Thuận) chưa thỏa thuận đền bù được.
Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Thiên Lý II của Công ty cổ phần đầu tư An Thiên Lý với diện tích 45 ha, hiện dự án còn vướng đền bù với một số hộ dân do đòi giá đền bù quá cao nên chưa thỏa thuận được. Mặt khác, còn vướng khoảng 5,8 ha diện tích thăm dò khoáng sản…
Ngoài ra, 6 dự án nằm trên địa bàn phường Mũi Né, gồm: KDL Ngọc Khánh (của Công ty TNHH Du lịch Ngọc Khánh), KDL Nguyên Sa (của Công ty TNHH Xây lắp Sài Gòn), KDL Xuân Quỳnh (của Công ty CP Rạng Đông), KDL Minh Quân (của Công ty TNHH Du lịch Minh Quân), KDL Minh Sơn (của Công ty TNHH Du lịch Minh Sơn) và KDL Việt Hùng (của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Mai Ninh) cũng chậm triển khai, sắp tới UBND tỉnh cũng sẽ có hướng xử lý cụ thể.
Song song đó, dự án KDL Sinh thái Đất Việt (diện tích 43,8 ha) đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2010, tuy nhiên dự án hiện vẫn chậm triển khai xây dựng do vướng đền bù, giải tỏa…
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến việc chậm triển khai dự án, trong đó vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư do công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, kéo dài thời gian do chậm xác định tính pháp lý, chính sách giá đền bù thay đổi. Mặt khác giữa chủ dự án và người dân không thỏa thuận được giá đền bù.
Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các dự án chậm triển khai. Trong khi đó việc một số hộ gia đình, cá nhân nhiều năm khiếu nại việc đền bù, tranh chấp đất đai không hợp tác, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc triển khai dự án nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm. Vấn đề này không chỉ xảy ra ở một vài huyện mà hầu như địa phương nào cũng có, do đó tìm phương án tối ưu cho cả hai phía là điều cần phải tính đến.
Một lý do nữa mà các nhà đầu tư "vin" vào đó là kết cấu hạ tầng của một số khu vực điều kiện hạ tầng thiếu hoặc chưa đồng bộ như chưa có đường, nước sinh hoạt, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải… Yếu tố này làm cho các nhà đầu tư xây dựng đưa vào hoạt động không hiệu quả, triển khai cầm chừng hoặc chưa mạnh dạn triển khai xây dựng.
Trước thực trạng trên, tại cuộc họp với nhiều sở - ngành mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo tập trung khắc phục ngay những vướng mắc đối với các dự án du lịch chậm triển khai, không chỉ đối với thị xã La Gi mà cả các địa phương khác, trong tổ chức thực hiện.
Về đền bù, giải phóng mặt bằng: Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh kiểm tra, rà soát, tập trung phối hợp cùng địa phương, chủ đầu tư các dự án ký hợp đồng thực hiện đền bù còn vướng, rà soát lại giá đền bù, mức hỗ trợ cho phù hợp thực tế, bàn biện pháp giải quyết việc đền bù cụ thể từng dự án; vận động các hộ dân nhận tiền đền bù, giao đất cho dự án triển khai đầu tư. Trường hợp, không thực hiện được đề xuất UBND tỉnh hướng xử lý thu hồi, không để kéo dài.
Trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các sở ngành và địa phương rà soát các dự án chậm triển khai. Trên cơ sở đó tiếp tục tham mưu UBND tỉnh phân loại các dự án, đặc biệt chú trọng đến những dự án nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết nhưng còn có những khó khăn, vướng mắc báo cáo tỉnh chỉ đạo giải quyết.
Đối với những dự án chồng lấn với các dự án khai thác, thăm dò cát đen hoặc lý do khách quan khác thì tham mưu thông báo tạm dừng dự án để giải quyết miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định; với những dự án chậm triển khai, không có lý do chính đáng, đã cho gia hạn, yêu cầu ký quỹ đầu tư nhưng không thực hiện thì kiên quyết đề xuất thu hồi.