Chiều 20/2, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật cùng các chuyên gia, nhà khoa học vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Giáo sư Trần Ngọc Đường phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ảnh: Nhật Minh
Bịt lỗ hổng điều chỉnh quy hoạch
Góp ý kiến vào dự thảo, Giáo sư Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật cho rằng, kiểm soát quyền lực là vấn đề quan trọng khi xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo cho thấy, các quy định về kiểm soát quyền lực trong dự thảo luật chưa bao quát, thiếu các cơ chế rõ ràng; chưa chỉ ra được vấn đề gì Trung ương quản lý, vấn đề gì thuộc địa phương quản lý và vấn đề gì cả Trung ương và địa phương quản lý.
“Có quy định rõ thì chúng ta mới có cơ sở để phân cấp, phân quyền một cách minh bạch”, GS Trần Ngọc Đường góp ý.
Về lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, dự thảo quy định thực hiện theo nguyên tắc từ trên xuống dưới, từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh, rồi đến cấp huyện. Theo GS Trần Ngọc Đường, việc quy hoạch, kế hoạch của cấp trên quyết định cấp dưới là không hợp lý, cần tiến hành từ dưới lên mới sát thực tế và khả thi.
Đối với việc điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, GS Trần Ngọc Đường phản ánh có không ít trường hợp điều chỉnh là vì “lợi ích nhóm”. Cho nên cần phải có những quy định chặt chẽ. Tuy nhiên, theo ông, các quy định trong dự thảo hiện nay chưa thực sự rõ ràng, rất dễ bị lợi dụng.
Dẫn các căn cứ để cho phép điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định trong dự thảo như “do biến đổi bất thường của tình hình kinh tế- xã hội làm hạn chế nguồn lực thực hiện”, hay “do phát triển của khoa học công nghệ làm thay đổi cơ bản việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất”, ông Đường nhận xét: “Quá chung chung, tù mù, dễ bị vận dụng, lợi dụng để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bởi “lợi ích nhóm””.
Do đó, ông Đường đề nghị nên quy định nguyên tắc, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phải do Trung ương quyết định. Tương tự, điều chỉnh ở cấp huyện thì phải do cấp tỉnh quyết định, chứ không nên quy định cấp nào có thẩm quyền quy hoạch thì cấp đó quyết định thay đổi điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như dự thảo.
Ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Giá nào là giá thị trường?
Liên quan đến việc lấy ý kiến công dân đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, đây là việc rất quan trọng, nhằm phát huy quyền dân chủ, làm chủ trực tiếp của nhân dân ở cơ sở. Điều này cũng liên quan mật thiết đến trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình khi thực hiện quyền công dân tham gia giám sát quản lý, sử dụng đất đai ở địa phương, cơ sở.
Theo ông Thường, trong các quy phạm Luật Đất đai hiện hành và trong các bản dự thảo Luật Đất đai sửa đổi hiện nay, chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng về cơ chế tổ chức lấy ý kiến nhân dân ở cơ sở về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai ở cấp xã theo phương châm dân chủ, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Do vậy, cần bổ sung các quy định như công khai bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại UBND xã và tại điểm dân cư ở các thôn, bản, tổ dân phố. Tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến nhân dân ở thôn, bản, tổ dân phố với thành phần đại diện hộ gia đình, bảo đảm ít nhất phải có trên 50% số gia đình cử đại diện đến họp.
Với bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thu hồi đất, ông Thường nhấn mạnh, đây luôn là vấn đề nóng, dẫn đến xảy ra khiếu kiện phức tạp, đông người. Do vậy cần có quy định bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Theo ông, mức bồi thường bằng tiền cần căn cứ vào giá đất theo giá thị trường tại thời điểm thu hồi. Tuy nhiên, thế nào là giá thị trường, ông đề nghị cần phải được làm rõ.