Bitcoin và các đồng tiền số khác đã rớt giá, xóa sạch khoảng 170 tỷ USD vốn hóa khỏi thị trường tiền điện tử. Theo Coinmarketcap, vốn hóa thị trường tiền số hiện ở mức 959,53 tỷ USD, giảm từ 1,1 nghìn tỷ USD trong 1 ngày trước.
Bitcoin, đồng tiền số lớn nhất thế giới, đã giảm hơn 11% so với một ngày trước đó xuống còn 35.828,06 USD. Trong khi đó, Ether, đồng tiền lớn thứ hai, giảm khoảng 15% xuống 1.126,72 USD.
Xu hướng bán tháo tiền số diễn ra sau một đợt phục hồi mạnh mẽ và dường như đây là dấu hiệu cho thấy một số nhà đầu tư đã chốt lớn. Trong 12 tháng qua, Bitcoin vẫn ghi nhận đà tăng hơn 340% và tuần trước cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại, gần chạm ngưỡng 42.000 USD.
Theo nhiều chuyên gia, sự trỗi dậy của Bitcoin được thúc đẩy nhờ một số yếu tố bao gồm việc nhà đầu tư tổ chức lớn chi mạnh hơn cho đồng tiền này. Ngoài ra, Bitcoin còn được so sánh là "vàng kỹ thuật số", là hầm trú ẩn tiềm năng và hàng rào chống lạm phát.
Chưa dừng ở đó, trong một nghiên cứu gần đây, JPMorgan cho biết giá Bitcoin có thể đạt 146.000 USD trong dài hạn, bởi đồng tiền này cạnh tranh với vàng như một loại tiền tệ "thay thế". Tuy nhiên, các chiến lược gia của ngân hàng đầu tư lưu ý rằng Bitcoin phải có diễn biến ít biến động hơn đáng kể để đạt được mức giá này, khi đồng tiền này thường chứng kiến những lần trồi sụt mạnh.
Trong khi đó, một số ý kiến phản đối Bitcoin - chẳng hạn như David Rosenberg, nhà kinh tế và chiến lược gia tại Rosenberg Research - đã gọi Bitcoin là quả bong bóng.
Tuy nhiên, xu hướng tăng giá dài hạn của Bitcoin vẫn còn. Tuần trước, Chamath Palihapitiya của Social Capital cho biết giá Bitcoin có thể vượt ngưỡng 100.000 USD. Chia sẻ với CNBC, ông nhận định: "Mức giá có thể sẽ lên tới 100.000 USD, sau đó là 150.000 USD, rồi 200.000 USD. Có thể sẽ mất khoảng 5 hoặc 10 năm, nhưng Bitcoin sẽ chạm mức đó."