Bitcoin trải qua một tuần tăng giá mạnh từ mốc 48.000 USD đã tiến lên ngưỡng 56.000 USD. Các đồng tiền mã hóa khác cũng tăng cao. Thị trường tiền điện tử tràn sắc xanh hi vọng.
Giá Bitcoin trong phiên trưa nay (10/10) tiếp tục tăng nhẹ. Theo dữ liệu của CoinDesk lúc 12h57' hôm nay (giờ Việt Nam), giá Bitcoin được giao dịch ở mức 55.739,45 USD, tăng 2,32% so với ngày hôm qua. Trong 24 giờ gần nhất, giá Bitcoin thời điểm cao nhất đạt 56.058,68USD, thấp nhất ở mức 54.133,75 USD.
Dữ liệu từ CoinMarketCap cho thấy, cho thấy, lượng Bitcoin giao dịch trong 24 giờ qua vào khoảng 33 tỷ USD, đưa vốn hóa thị trường đạt 1.038 tỷ USD.
Đa số các đồng tiền mã hóa quan trọng đều leo giá theo đà tăng của Bitcoin. Trong đó, XRP tăng 9,5%, lên mức giá 1,18 USD; Cardano tăng 0,16%, có giá 2,26 USD; Polkadot tăng 8,36%, lên mức giá 36,46 USD; Stellar tăng 1,89%, có giá 0,352 USD; Dogecoin tăng 0,19%, có giá 0,247 USD; Litecoin tăng 3,17%, có giá 182 USD; Bitcoin Cash tăng 1,3%, lên mức giá 613,61 USD...
Trong khi đó, một số đồng tiền mã hóa khác lại quay đầu giảm giá. Đơn cử, Ethereum giảm 1,28%, ở mức giá 3.569 USD; Polygon giảm 2,14%, về mức giá 1,33 USD...
Giá Bitcoin đã tiến lên ngưỡng 56.000 USD. |
Nhờ sự tăng giá của Bitcoin và nhiều đồng tiền mã hóa quan trọng khác mà tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa vẫn ở mức cao. Tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa vào trưa nay đạt khoảng 2.230 tỷ USD, tăng 1,27% so với ngày hôm qua.
Trong tuần vừa qua, Bitcoin và nhiều đồng tiền mã hóa khác có sự tăng giá ấn tượng.
Trong phiên đầu tuần (4/10), giá Bitcoin tăng từ mốc 48.000 USD lên mức 49.000 USD. Sang ngày 5/10, giá Bitcoin vượt qua mốc 49.000 USD. Đến ngày 6/10, giá Bitcoin vọt lên gần 52.000 USD. Ngày 7/10, giá Bitcoin tiếp tục tăng chóng mặt và vượt mốc 55.000 USD, đưa vốn hóa thị trường vượt 1.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, đến ngày 8/10, giá Bitcoin đứt mạch tăng nóng, có thời điểm về mốc 53.000 USD. Sang ngày 9/10, giá tăng nhẹ lên mốc 54.000 USD. Đến ngày hôm nay (10/10), giá Bitcoin tăng mạnh, xuyên thủng ngưỡng 56.000 USD. So với 7 ngày trước, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới này đã tăng giá hơn 15%.
Theo các nhà phân tích, giá Bitcoin và nhiều đồng tiền mã hóa quan trọng khác bật tăng mạnh trong tuần qua là do nhiều yếu tố thị trường ủng hộ.
Giá Bitcoin và nhiều đồng tiền mã hóa quan trọng khác bật tăng mạnh do lo ngại những rủi ro trên thị trường chứng khoán toàn cầu, về vấn đề nợ trần của Mỹ, về lãi suất trái phiếu leo thang, lạm phát gia tăng, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, khủng hoảng nợ của China Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc... Những vấn đề trên khiến nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào Bitcoin - tài sản được coi là "vàng kỹ thuật số".
Ngoài ra, giá Bitcoin tăng mạnh còn nhờ quan điểm tích cực của các nhà quản lý Mỹ. Vào cuối tuần trước, ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - cho biết, ông không có ý định cấm tiền điện tử. Đồng quan điểm, ông Gary Gensler - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) - cũng nói tại cuộc điều trần của Uỷ ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện vào ngày 5/10 rằng ông không có kế hoạch cấm tiền điện tử.
Một thông tin tích cực với thị trường tiền mã hóa là tỷ phú George Soros, chủ sở hữu Quỹ quản lý Soros, mới đây cho biết quỹ này đã tham gia đầu tư vào Bitcoin.
Thị trường tiền mã hóa tiếp tục đón nhận tin vui khi Sri Lanka vừa tham gia thị trường tiền kỹ thuật số toàn cầu sau khi thành lập một ủy ban chuyên nghiên cứu về tiền kỹ thuật số và blockchain. Ủy ban mới thành lập của Sri Lanka hứa hẹn tạo ra khung pháp lý phù hợp với Sri Lanka sau khi nghiên cứu hình thức quản lý tiền kỹ thuật số và blockchain trên thị trường quốc tế.
Theo các chuyên gia, nhiều tín hiệu tích cực khiên thị trường tiền mã hóa sẽ còn tiếp tục tăng mạnh. Chuyên gia tài chính Craig Erlam (Anh), dự báo giá Bitcoin sẽ sớm trở lại mốc kỷ lục gần 65.000 USD. Thậm chí, nhiều nhà phân tích nhận định giá Bitcoin sẽ đạt ngưỡng 100.000 USD vào cuối năm nay.
Tuy Bitcoin vẫn đang trên đà tăng nhưng theo các chuyên gia, Bitcoin và thị trường tiền mã hóa vẫn đang phải đối mặt với nhiều áp lực do những lo ngại về môi trường hay rào cản từ vấn đề pháp lý cùng sự ngăn trở của các định chế tài chính truyền thống.
Anh Tuấn