Sau khi bật tăng lên ngưỡng 38.000 USD vào sáng qua, sáng nay (2/6), giá Bitcoin lại lao dốc, xuống ngưỡng 36.000 USD/đồng. Trong khi một số đồng tiền kỹ thuật số quan trọng khác giảm thì một số đồng tiền mã hóa khác lại tăng.
Theo dữ liệu của CoinDesk, vào lúc 8h30' sáng nay (giờ Việt Nam), giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới Bitcoin được giao dịch ở mức 36.095,3 USD, giảm 3,73% so với ngày hôm qua. Trong 24 giờ qua, giá Bitcoin thời điểm cao nhất đạt mức 37.449,14 USD nhưng có thời điểm lại rơi xuống mức thấp nhấp là 35.715,74 USD.
Thống kê của Coinmarketcap cho thấy, khối lượng giao dịch Bitcoin trong khoảng 24 giờ qua là gần 33,49 tỷ USD, vốn hóa của thị trường Bitcoin ghi nhận ở mức hơn 676 tỷ USD.
Bitcoin tụt giá, xuống ngưỡng 36.000 USD |
Đà lao dốc của Bitcoin cũng khiến nhiều đồng tiền kỹ thuật số hàng đầu khác giảm giá mạnh. Trong đó, đồng tiền số lớn thứ hai là Ethereum giảm 4,29%, ở mức giá 2.570 USD; Bitcoin Cash giảm 3,79%, về mức giá 678,68 USD; Cardano giảm 0,66%, ở mức giá 1,72 USD; Litecoin giảm 4,89%, ở mức giá 179,46 USD...
Trong khi đó, nhiều đồng tiền kỹ thuật số quan trọng khác lại leo giá khá cao. Đơn cử, giá Dogecoin tăng 7,37%, về mức 0,363 USD; Stellar tăng giá 1,44%, lên mức 0,41 USD; giá Polkadot 2,85%, ở mức giá 23,27 USD...
Tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa vào đầu giờ sáng nay ở mức 1.620 tỷ USD, giảm 2,5% so với ngày hôm qua.
Từ 2 tuần trước, thị trường tiền mã hóa chao đảo bắt nguồn từ hàng loạt thông tin bất lợi với giới đầu tư. Sự hỗn loạn của thị trường tiền mã hóa bắt đầu sau khi CEO Tesla Elon Musk thông báo sẽ dừng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin do lo ngại về môi trường.
Trong khi đó, làn sóng siết chặt quản lý tiền mã hóa đang lan rộng ở nhiều nước.
Vào tháng 4, Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm hoàn toàn việc sử dụng tiền ảo và các tài sản số vì lo ngại rủi ro mà những tài sản này đặt ra cho hệ thống tài chính.
Sau đó, Trung Quốc, Mỹ cũng đưa ra các tuyên bố tăng cường giám sát đối với thị trường tiền mã hóa. Các nhà chức trách Trung Quốc còn cấm các hoạt động khai thác Bitcoin vì sử dụng quá nhiều năng lượng.
Tương tự, Iran mới đây đã quyết định cấm đào Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác tại nước này vì cho rằng đào tiền ảo là nguyên nhân gây ra tình trạng cúp điện liên miên ở các thành phố Iran.
Sự bất ổn của giá Bitcoin khiến cho nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới tỏ ra thận trọng. CEO của HSBC mới đây tuyên bố không có kế hoạch hỗ trợ giao dịch bằng Bitcoin và nhiều loại tiền mã hóa khác.
Trả lời phỏng vấn ngày 27/5 của hãng tin Bloomberg. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda bày tỏ sự hoài nghi về tính hữu ích của ngành công nghiệp tiền kỹ thuật số. "Đa số giao dịch là đầu cơ và có tính biến động rất cao. Chúng hầu như không được sử dụng như một công cụ thanh toán", ông Kuroda khẳng định.
Mới đây, trả lời câu hỏi của Uỷ ban Dịch vụ Tài chính tại Hạ viện Mỹ về Bitcoin và các tài sản kỹ thuật số, ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan, cho biết: "Lời khuyên của tôi dành cho mọi người là: Hãy tránh xa nó (tiền số)". Ông Jamie Dimon cũng khẳng định tiền số không thể so sánh với tiền pháp định (fiat currency) hay vàng được.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda cũng bày tỏ sự hoài nghi về tính hữu ích của ngành công nghiệp tiền kỹ thuật số. "Đa số giao dịch là đầu cơ và có tính biến động rất cao. Chúng gần như không được sử dụng như một công cụ thanh toán", ông Kuroda bày tỏ quan điểm trong cuộc phỏng vấn mới đây với Bloomberg.
Chia sẻ trên Kitco News, chuyên gia tiền số Clem Chambers của InvestorsHub nhận định: mô hình giao dịch của Bitcoin là "bùng nổ, bong bóng, phá sản". Theo ông Clem Chambers, những đồng tiền số phổ biến đang ở giữa một đợt điều chỉnh với biên độ lớn. Sự sụt giảm mạnh về giá của những đồng tiền số này sẽ kéo theo "một mùa đông tiền số".
Anh Tuấn