Đây là lần hiếm hoi các bên liên quan đạt đồng thuận về công nghệ của Bitcoin. Các chuyên gia tiền số nhấn mạnh lần nâng cấp này sẽ đóng vai trò to lớn cho tương lai tiền số. Bản nâng cấp có tên Taproot sẽ có hiệu lực vào tháng 11 này.
Khi Taproot được đưa vào áp dụng, nó sẽ nâng cao tính riêng tư cũng như hiệu quả giao dịch. Đặc biệt, nó sẽ mở ra tiềm năng cho các hợp đồng thông minh, một tính năng quan trọng của công nghệ blockchain giúp loại bỏ khâu trung gian khỏi các giao dịch phức tạp nhất.
Alyse Killeen, một chuyên gia trong lĩnh vực tiền số, cho biết: "Taproot rất quan trọng vì nó tạo ra nhiều dư địa cho những người quan tâm tới các tiện ích mở rộng của Bitcoin".
Không giống như bản nâng cấp năm 2017, vốn diễn ra trong sự tranh cãi mạnh mẽ của những người hâm mộ Bitcoin, lần nâng cấp này nhận được sự ủng hộ trên diện rộng. Những người tin tưởng đều nhìn thấy lợi ích khi Bitcoin được cải tiến.
Sự lột xác lần này của Bitcoin liên quan nhiều đến chữ ký điện tử, có thể coi đó là dấu vân tay mà mỗi cá nhân để lại trên mỗi giao dịch họ thực hiện. Hiện tại, Bitcoin sở hữu công nghệ chỉ cho phép người sở hữu chúng giao dịch. Tuy nhiên, với Taproot, Bitcoin sẽ hoạt động với các giao dịch đa chữ ký không thể bị tiết lộ.
Điều này không chỉ mang tới quyền riêng tư cao hơn mà nó còn giúp thực hiện các giao dịch phức tạp. Được gọi là hợp đồng thông minh, những thỏa thuận sẽ được tự thực hiện với công nghệ blockchain và công cụ thanh toán chính là Bitcoin. Về lý thuyết, hợp đồng thông minh có thể phù hợp với mọi giao dịch, từ trả tiền thuê nhà tới đăng ký xe.
Taproot làm cho các hợp đồng thông minh nhỏ hơn và rẻ hơn, xét về không gian mà chúng chiếm trên blockchain. Khi trở nên phổ dụng, bitcoin có thể thu hút hơn trong thế giới tài chính phi tập trung, một thuật ngữ được sử dụng để mô tả các ứng dụng tài chính được thiết kế để loại bỏ người trung gian.
Mặc dù cộng đồng Bitcoin đã đồng ý với việc nâng cấp nhưng việc triển khai sẽ không diễn ra cho đến tháng 11. Việc kiểm tra kỹ trước thời điểm nâng cấp sẽ giúp hạn chế sự cố trong quá trình "lột xác".
Các chuyên gia cũng nhận định quá trình nâng cấp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, vốn có thể phá hủy niềm tin vào tiền số. Đó chính là lý do những sai lầm đều có thể sẽ phải trả giá quá đắt. Việc cẩn trọng là điều không thể làm khác, đặc biệt là với một loại tài sản biến động mạnh mẽ như Bitcoin.
Năm 2013, việc nâng cấp đang gây ra lỗi với Bitcoin, khiến đồng tiền số này bị chia đôi tạm thời. "Bạn không muốn các khách hàng hay thợ đào mỏ hoạt động trong một giao thức không đồng bộ. Sự cố này đã từng xảy ra. Chính vì thế, để hạn chế tới mức tối thiểu rủi ro, chúng tôi cần một thời gian đủ dài để kiểm tra các thay đổi", Nic Carter, đối tác sáng lập tại Castle Island Ventures, chia sẻ.
Sau nhiều tuần sóng gió, giá Bitcoin chiều 14/6 theo giờ Hà Nội dao động quanh mốc 39.000 USD. Dù còn cách xa đỉnh 65.000 USD được xác lập trong tháng 4 nhưng giá Bitcoin đang phục hồi khá mạnh so với đáy vài ngày trước.