Hai doanh nhân thành đạt nhất ở phố Wall trong 20 năm qua làm việc tại 2 phía đối diện trên đại lộ Park Avenue. Larry Fink, 65 tuổi, là người theo đảng Dân chủ, trên tay lúc nào cũng có 1 cốc Starbucks và điều hành BlackRock. Stephen Schawarzman năm nay 70 tuổi, là người theo đảng Cộng hòa, luôn mặc áo kẻ sọc và điều hành Blackstone ở bên kia đường. Hai người từng là đồng nghiệp nhưng họ có những quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau về hoạt động đầu tư cũng như phương thức quản lý. Và quỹ đạo của 2 con người đối lập này cũng phản ánh thế giới tài chính đang thay đổi như thế nào.
Ngài Fink, người từng bị xếp ở "chiếu dưới" nay đang "lật ngược thế cờ". BlackRock đang là quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, nắm trong tay số tài sản 6.000 tỷ USD. Đại diện cho sức mạnh của máy tính, mức phí thấp và lợi thế quy mô, BlackRock đang bùng nổ mạnh mẽ. Trong khi đó Blackstone của ngài Schwarzman là định chế đứng đầu làn sóng đối lập. Với khối tài sàn 378 tỷ USD, tập trung vào vốn cổ phần tư nhân và bất động sản, Blackstone đại diện cho công thức từng được sùng bái: sức mạnh trí óc cộng với mức phí và tính chuyên nghiệp cao.
Khi Fink đang là 1 môi giới chứng khoán ngoài 30 tuổi, ông gia nhập Blackstone (Schwarzman là nhà đồng sáng lập) để xây dựng mảng đầu tư trái phiếu. Mảng này được đặt tên là BlackRock và tách ra thành 1 công ty riêng biệt từ năm 1995.
Cuối năm 2005, 2 công ty vẫn chia sẻ những giá trị thị trường giống nhau. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại chúng đã rẽ theo hai hướng tiếp cận hoàn toàn khác nhau. BlackRock chủ yếu bán các sản phẩm đầu tư bị động (bao gồm cả các quỹ ETF) cho các khách hàng tổ chức và cá nhân. Công ty này dẫn đầu làn sóng rời xa các nhà quản lý quỹ truyền thống. Mức phí mà nó thu của khách hàng rất thấp: mỗi năm chỉ thu 0,2 cent trên mỗi USD doanh thu mà nó quản lý.
Trong khi đó Blackstone sử dụng đòn bẩy và những thay đổi trong bộ máy lãnh đạo của các công ty để cố gắng đánh bại thị trường. Mức phí mà nó thu là 1,8 cent, tập trung vào khách hàng tổ chức và giới nhà giàu.
Cấu trúc của BlackRock khá đơn giản: mỗi cổ phần sẽ có 1 quyền biểu quyết. Fink chỉ sở hữu khoảng 0,66% cổ phần (cổ đông lớn nhất là PNC, 1 ngân hàng, với 22% cổ phần). Điều này đem đến cho BlackRock sự linh hoạt. Ngược lại, Schwarzman nắm quyền kiểm soát khá chặt chẽ. Các cổ đông bên ngoài không có quyền biểu quyết tại Blackstone.
Cả hai công ty đều chia thưởng khá hậu hĩnh cho nhân viên, nhưng có văn hóa doanh nghiệp khác nhau rất nhiều. 2.240 nhân viên của Blackstone có thu nhập trung bình 1 triệu USD/năm, cao gấp 3 lần mức trung bình của 13.000 nhân viên BlackRock.
Đâu là chiến lược tốt nhất để vươn tới vị trí thống trị thế giới đầu tư? Dòng tiền bị động được điều hành bởi 1 doanh nghiệp đơn giản (như Blackrock) hay dòng tiền chủ động được điều hành bởi 1 quỹ phức tạp (như Blackstone)?
Hãy đặt 2 ông lớn của phố Wall lên bàn cân với 5 tiêu chí so sánh: quy mô, tài sản cá nhân của các ông chủ, số tiền tạo ra cho các khách hàng và cả cổ đông của hãng và cuối cùng là tầm ảnh hưởng của các ông chủ.
Số liệu của Bloomberg cho thấy Schwarzman có tài sản trị giá 13 tỷ USD, trong khi Fink có trong tay chưa đến 1 tỷ USD. Tuy nhiên theo đánh giá của Economist, đó là tiêu chí duy nhất mà ông chiến thắng trước đối thủ. Giá trị vốn hóa của BlackRock hiện ở mức 86 tỷ USD, lớn gấp đôi so với Blackstone. Xét theo các tiêu chí về doanh thu, lợi nhuận và tiền mặt trả cho cổ đông, các chỉ tiêu của BlackRock cao hơn trung bình 31%. Trong thập kỷ vừa qua BlackRock cũng thu hút được lượng tiền cao gấp 7 lần so với đối thủ.
Các khách hàng của BlackRock đã thu được mức lợi nhuận gần 2.900 tỷ USD trong thập kỷ vừa qua, so với con số khiêm tốn 202 tỷ USD mà các khách hàng của Blackstone đạt được. Tuy nhiên cả hai con số đều tương đương khoảng 80% số tài sản được quản lý trong thời gian đó. Cả hai đều được hưởng lợi từ thị trường tài chính khởi sắc.
10 năm qua, BlackRock mang về cho cổ đông 50 – 70 tỷ USD (phụ thuộc vào phương pháp tính và bao gồm tiền mặt trả cho cổ đông), so với mức 32 tỷ USD của Blackstone. BlackRock được định giá gấp 25 lần lợi nhuận, so với tỷ lệ 11 lần của Blackstone. Có thể coi đây là 1 dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư ưa thích cấu trúc đơn giản hơn và nghĩ rằng nó sẽ tăng trưởng nhanh hơn.
Bài test cuối cùng là về quyền lực. Schwarzman là người ưa thích quyền lực. Nhưng công ty của Fink sở hữu 5-7% các công ty niêm yết lớn nhất ở phương Tây, đem đến cho ông quyền lực khổng lồ. Fink cũng đã sử dụng lợi thế này để hối thúc các ông chủ doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn.
Chiến thắng 4/5 bài kiểm tra, Fink có vẻ như đang dẫn đầu. Tuy nhiên, BlackRock cũng có rất nhiều thứ phải lo lắng. Sự ưu ái dành cho các quỹ bị động sẽ suy giảm ngay lập tức nếu thị trường chứng khoán giảm sâu. Sự cạnh tranh khốc liệt có thể làm giảm mức phí. Và BlackRock càng sử dụng quyền lực để ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác nhiều hơn thì sẽ càng thu hút sự chú ý của cơ quan quản lý.
Trên phố Wall, của cải được tạo ra từ tài năng cá nhân và cả các xu hướng đầu tư cùng những làn sóng công nghệ. Larry Fink đã làm khá tốt, nhưng sự nổi lên của cả hai người đàn ông này là bằng chứng cho thấy trật tự ở phố Wall luôn có thể thay đổi. Nếu Schwarzman băng qua Park Avenue để gặp Fink, ông nên chúc mừng người đồng nghiệp cũ của mình nhưng đừng quên nhắc nhở rằng ở đâu đó có 1 người trẻ hơn có thể giành lấy ngôi vương bất cứ lúc nào.