Thời gian gần đây, cụm từ Blockchain được nhiều người nhắc đến. Những người hiểu blockchain là gì thì khát khao muốn biết nhiều hơn nữa, những người chưa biết đến blockchain thì tò mò mong được hiểu xem "nó" là gì mà được "người ta" nhắc đến như một nguồn sức mạnh lớn có thể thay đổi được nhiều thứ trong nhiều mặt của cuộc sống.
Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Quang Huy để độc giả hiểu rõ hơn về công nghệ này.
Blockchain là gì?
Theo các chuyên gia, blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó.
Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu. Thông tin trong blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống blockchain đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin.
Công nghệ Blockchain đóng vai trò giống như một cuốn sổ cái cho tất cả các giao dịch. Các đặc điểm chính của blockchain có thể kể đến như:
• Không thể làm giả, không thể phá hủy các chuỗi blockchain. Theo như lý thuyết thì chỉ có máy tính lượng tử mới có thể can thiệp vào và giải mã chuỗi blockchain và nó chỉ bị phá hủy hoàn toàn khi không còn internet trên toàn cầu
• Bất biến một khi những giao dịch hoặc dữ liệu đã được ghi bởi người nắm giữ private key (mã khóa bí mật - chỉ riêng người khởi tạo blockchain mới có) dữ liệu đó không thể sửa chữa nó sẽ lưu lại mãi mãi
• Bảo mật Dữ liệu: Các thông tin, dữ liệu về các chuỗi blockchain được phân tán và an toàn tuyệt đối chỉ có người nắm giữ private key mới có quyền truy xuất dữ liệu đó
• Minh bạch: Ai cũng có thể theo dõi được đường đi của blockchain từ địa chỉ này tới địa chỉ khác và có thể thống kê toàn bộ lịch sử trên địa chỉ đó.
• Hợp đồng thông minh: là các kỹ thuật số được nhúng bởi một đoạn code if-this-then-that (IFTTT), cho phép chúng tự thực thi. Trong thực tế, một bên trung gian bảo đảm rằng tất cả các bên liên quan đều tuân thủ các điều khoản. Blockchain không cần bên thứ ba, nhưng nó cũng bảo đảm rằng tất cả các bên tham gia đều biết được chi tiết hợp đồng và các điều khoản sẽ được tự động thực hiện một khi các điều kiện được bảo đảm.
Blockchain thực chất là một cơ sở dữ liệu chứa thông tin được quản lý đồng thời bởi nhiều người tham gia hệ thống, thay vì một cơ quan riêng lẻ như nhà nước hay ngân hàng trung ương. Thông tin mới cần được toàn bộ các thành viên trong mạng lưới chấp nhận trước khi được thêm vào cơ sở dữ liệu.
Thế giới nhìn nhận blockchain như thế nào?
Chính bởi đặc điểm của Công nghệ Blockchain nên các chuyên gia đánh giá đây là công nghệ sáng tạo mang tính đột phá của tư duy con người nhằm đảm bảo tuyệt đối minh bạch thông tin, chính xác, hợp lý và tiện ích trong thời đại kỹ thuật số.
Tờ Economist tháng 6/2017 dẫn một khảo sát của IBM cho thấy 9 trên 10 các cơ quan nhà nước trên thế giới được hỏi thừa nhận có kế hoạch đầu tư vào blockchain để quản lý các giao dịch tài chính, tài sản, hợp đồng và việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức trong những năm tới.
Hay như trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire thông báo Pháp sẽ trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu cho phép giao dịch một số mã cổ phiếu chưa được niêm yết thông qua công nghệ blockchain.
Cuối tháng 11/2017 vừa qua, Goldman Sachs và JPMorgan Chase đã hoàn thành cuộc thử nghiệm kéo dài 6 tháng trên thị trường hoán đổi có tổng trị giá 2.800 tỷ USD và theo đơn vị thực hiện chương trình thì tỷ lệ thành công là 100%.
Sự nóng lên của công nghệ Blockchain đã tạo ra sự phấn khích lớn cho hàng loạt tổ chức kinh tế lớn. Tuy nhiên, trong đánh giá hồi cuối tháng 11 năm 2017 vừa qua, nhiều NHTW lớn trên thế giới cũng đã thể hiện quan điểm khá trái chiều. Có ngân hàng coi công nghệ blockchain như cuộc cách mạng tiềm năng trong ngành tài chính, có ngân hàng lại lo lắng về tính bảo mật, có ngân hàng lại đang chờ đợi diễn biến rõ ràng hơn...
Blockchain mang đến nhiều lợi ích cho cộng đồng và xã hội?
Với những đặc thù của Blockchain, các chuyên gia cho rằng, công nghệ Blockchain sẽ mở ra một xu hướng ứng dụng tiềm năng cho nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, sản xuất, viễn thông... Việc áp dụng Blochchain vào cuộc sống sẽ đem lại lợi ích thật sự cho cộng đồng và toàn xã hội.
Ứng dụng của blockchain vào cuộc sống
(Nguồn: www.btcs.com)
Đối với sản xuất:
Điển hình như áp dụng đặc điểm không thể làm giả, không thể phá hủy của Blockchain vào ngành công nghiệp sản xuất sẽ giúp người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm đang được chào bán. Ví dụ: Nếu một doanh nghiệp sản xuất sữa áp dụng Blockchain vào quản lý chất lượng sản phẩm thì nhà quản lý người tiêu dùng có thể truy xuất được các thông tin rất minh bạch.
Đối với nhà sản xuất họ có thể thống kê và lưu trữ toàn bộ những hộp sữa đó trên thị trường để biết được những hộp sữa đó đã tiêu thụ chưa, tiêu thụ được bao nhiêu, bao nhiêu hộp còn hạn sử dụng và bao nhiêu hộp đã hết hạn sử dụng. Đối với người tiêu dùng: Công có thể kiểm tra thông tin hộp sữa đó có phải hàng chính hãng hay không sẽ ngăn chặn toàn bộ những sản phẩm nhái, hàng giả trên thị trường.
Trong lĩnh vực bán lẻ, Walmart là một trong những doanh nghiệp tiên phong sử dụng blockchain. Hiện tại, thương hiệu bán lẻ này đã sử dụng blockchain từ năm 2016 để theo dõi nguồn thịt lợn nhập từ Trung Quốc đến Mỹ
Đối với lĩnh vực y tế:
Khi người bệnh đi khám hay xét nghiệm, mọi kết quả của họ sẽ được lưu trữ sử dụng công nghệ blockchain sẽ giúp người bệnh bảo mật toàn bộ thông tin và chỉ số xét nghiệm của mình. Trong trường hợp người bệnh có nhu cầu chuyển sang bệnh viện khác ở bất kỳ đâu trên thế giới, họ chỉ cần truy xuất thông tin và kết quả chỉ số xét nghiệm của mình trên chuỗi blockchain mà cho dù hai bệnh viện (nơi khám ban đầu và nơi chữa bệnh mới) không cùng ngôn ngữ hay sử dụng phần mềm khác nhau.
Việc này giúp người bệnh giảm thiểu chi phí xét nghiệm lại khi đến các bệnh viện mới cũng như góp phần giúp nơi tiếp nhận bệnh nhân mới có thể truy xuất tiền sử bệnh tật, phác đồ điều trị hay các phản ứng phụ đối với các loại thành tố thuốc trước đây của bệnh nhân. Để từ đó giúp chuẩn đoán và đưa ra liệu trình điều trị phù hợp, mang lại hiệu quả cao cho người bệnh.
Đối với giáo dục:
Năm 2010, bằng tiến sĩ (PhD) của cựu chủ tịch Microsoft Trung Quốc Tang Jun nhận từ đại học Pacific Western đã làm dấy lên những nghi ngờ. Các nhà điều tra phát hiện ra rằng không những ngôi trường này chưa được kiểm định mà giá của tấm bằng còn quá rẻ: chỉ có 2.595 USD và học viên chẳng cần học hành gì. Một năm sau, hàng chục quản lý cao cấp khác cũng bị dính vào những vụ bằng cấp giả với quy mô lớn khác từ những chương trình đáng ngờ, chỉ đòi hỏi người đăng ký học... “cho có lệ”.
Việc thẩm định bằng cấp, chứng chỉ là một vấn đề phức tạp và chưa bao giờ hết mới đối với nhiều nước trên thế giới. Khi tìm kiếm trên google, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy việc mua bán bằng cấp, chứng chỉ giả ở nhiều website trên thế giới.
Việc quản lý các chứng chỉ, bằng cấp của các trường đại học nói chung hay các cơ sở đào tạo nghề nói riêng nếu được áp dụng công nghệ Blockchain sẽ góp phần minh bạch hóa hồ sơ học viên cũng như giúp các nhà tuyển dụng dễ dàng truy xuất nguồn gốc cơ sở đào tạo hay quá trình học tập của các ứng viên từ thấp đến cao.
Tại San Francisco, trường Holberton - một trường đào tạo kỹ sư phần mềm đã thông báo dự án quản lý sinh viên dựa trên nền tảng blockchain vào năm học mới.
Sylvain Kalache, đồng sáng lập trường Holberton, chia sẻ với CNBC: "Đối với nhà tuyển dụng, họ tránh phải mất thời gian để kiểm tra chứng nhận của ứng viên bằng cách gọi các trường đại học hoặc trả một bên thứ ba để thực hiện công việc thẩm định này. Đồng thời việc sử dụng công nghệ blockchain cũng sẽ giúp nhà trường tiết kiệm chi phí trong việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu riêng của mình".
Đối với ngành tài chính
Ngày 16/10/2017 Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia VINEN, Up@VPBank và GPA Fintech cùng các đối tác tổ chức hội thảo “Khởi Nghiệp 4.0 - Ứng dụng Công nghệ Blockchain - Fintech trong thương mại điện tử - thanh toán trực tuyến cơ hội khởi nghiệp tại Việt Nam”. Sự kiện nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và đón đầu công nghệ mới trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0.
Theo PGS.TS Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia Vinen, trong cuộc cách mạng 4.0, công nghệ Blockchain - Fintech là nền tảng sẽ làm thay đổi rất nhiều định chế cũ. “Quốc gia nào biết tận dụng nền tảng công nghệ blockchain, sẽ có cơ hội vượt trội để phát triển toàn diện nền kinh tế. Cuộc cách mạng này sẽ thúc đẩy tất cả các ngành nghề trong đó có những ngành như ngân hàng, đầu tư, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, xuất nhập khẩu, bất động sản, du lịch, khám chữa bệnh..."
Nhiều ngân hàng và các tổ chức tài chính khác đã nghiên cứu, áp dụng công nghệ Blockchain vào các hoạt động nghiệp vụ của mình. Mới đây, ba ngân hàng lớn của Nhật Bản gồm Mizuho Bank, Sumitomo Mitsui Banking và Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ đã công bố việc áp dụng công nghệ blockchain trong hoạt động của mình. Lâu nay, các ngân hàng này thường bị người tiêu dùng phàn nàn vì phí dịch vụ chuyển tiền cao. Dự án chuyển tiền ngang hàng sử dụng công nghệ blockchain là một phần trong những nỗ lực cung cấp dịch vụ tài chính an toàn, bảo mật cao với chi phí thấp - một lĩnh vực mà các ngân hàng lớn đang bị bỏ xa bởi các đối thủ nhỏ hơn.
Tại Châu Á, OCBC Bank là ngân hàng đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ blockchain (khối chuỗi) trong dịch vụ chuyển tiền nội địa và quốc tế, làm tăng hiệu suất, sự minh bạch, giảm chi phí và cải thiện trải nghiệm cho khách hàng.
Blockchain được xem như là một cách để cắt giảm chi phí và thời gian thanh toán bù trừ giao dịch liên ngân hàng, cũng như tạo ra hệ thống an toàn hơn. Tại thời điểm này, nhiều tổ chức tài chính đang có cuộc chiến tranh giành nhau nhằm hình thành các liên minh mới để thương mại hóa công nghệ blockchain. Đáng kể nhất chính là liên minh R3 của 3 ngân hàng lớn nhất của nước Úc bao gồm Westpac, Commonwealth, NAB cùng với 40 ngân hàng và hàng loạt tổ chức tài chính khác trên toàn thế giới.
Đối với thương mại điện tử:
Theo báo cáo “Tương lai của thương mại điện tử trong ngành hàng tiêu dùng nhanh” công bố bởi Kantar Worldpanel vào tháng 11 này, doanh thu hàng hóa thông qua các nền tảng thương mại điện tử trên toàn cầu đã tăng 30% trong giai đoạn tháng 3/2016 đến tháng 3/2017.
Nếu xét về giá trị, các nước sở hữu sức mạnh kinh tế hàng đầu, trong đó có Trung Quốc và Hoa Kỳ, vẫn là những nước đóng góp nhiều nhất. Tuy nhiên xét về tốc độ, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam mới là những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng mạnh nhất, trong đó Thái Lan dẫn đầu với 104%, Malaysia 88% và Việt Nam 69%.
Theo các chuyên gia, thị trường bán lẻ hiện nay nên dần dần chuyển dịch vụ của mình sang bán hàng trực tuyến, tận dụng lợi thế thương hiệu với chiến lược đa kênh để đạt được thành công và bảo vệ vị trí hiện tại. Nhìn chung, sự tin tưởng của người tiêu dùng và chi phí cao cho mô hình phân phối là những thách thức lớn cần được các doanh nghiệp giải quyết để thương mại điện tử tiến xa hơn nữa.
Những thách thức lớn đó của thương mại điện tử có thể được xử lý bằng các hợp đồng thông minh (smart contract) khi ứng dụng công nghệ Blockchain. “Với công nghệ Blockchain, tôi yên tâm khi ký các hợp đồng thông minh và đưa giải pháp thanh toán vào website. Từ đây chúng tôi có thể dễ dàng kinh doanh và hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước trong một thời gian ngắn hơn và thủ tục đơn giản hơn nhiều lần” - Bà Lê Thúy Hạnh, Co-founder Batdongsan.chia sẻ.
Thách thức khi triển khai, áp dụng Blockchain vào cuộc sống
Với những chính sách ưu tiên phát triển công nghệ thông tin như một ngành mũi nhọn của nhà nước và tiềm năng công nghệ sẵn có, Việt Nam được kỳ vọng sẽ là nơi công nghệ blockchain có nhiều điều kiện tốt để phát triển. Đây được coi là cơ hội để các doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp có thể áp dụng công nghệ mới này với cơ hội sáng tạo và cạnh tranh mới, đủ sức vươn tầm ra khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể không lưu tâm đến những rào cản, thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi áp dụng công nghệ Blockchain vào cuộc sống.
Đầu tiên đó là những khó khăn khi cộng đồng nghiên cứu và phát triển Blockchain tại Việt Nam hiện còn phân tán, mang tính chất cá nhân, cục bộ. Chưa có nơi định hướng, đào tạo và phát triển công nghệ này một cách phổ biến và rộng rãi. Đây là một vấn đề đáng lưu tâm cho những đơn vị muốn áp dụng công nghệ blockchain khi họ không có nơi đáng tin cậy để chia sẻ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm khi triển khai, áp dụng blockchain.
Trở ngại tiếp theo từ khía cạnh blockchain hoàn toàn có thể được sử dụng cho mục đích không hợp pháp. Đó là những giao dịch ẩn danh, tạo môi trường và cơ hội cho các giao dịch không chính đáng trái quy định gây thất thoát và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của quốc gia.
Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế đều thống nhất rằng việc sự quản trị, giám sát sự phát triển của blockchain là rất cần thiết. Chính phủ cần tạo dựng một khung pháp lý hoàn thiện và thống nhất trong việc quản lý các giao dịch liên quan đến blockchain nhằm xác định và hỗ trợ các ứng dụng hợp pháp của blockchain khi áp dụng vào đời sống như y tế, giáo dục, quản trị bằng cấp, giao dịch tài chính qua hợp đồng thông minh, sản xuất... đặc biệt nghiêm cấm các ứng dụng vi phạm đến nguyên tắc về chống rửa tiền, trốn thuế hay phạm pháp.
Giải pháp quản lý hiệu quả, minh bạch với blockchain
Ứng dụng blockchain vào quản lý tại các nước:
Các chính phủ có thể tận dụng các đặc điểm ưu việt của blockchain, khi đó thông tin sẽ an toàn và không lo bị các quan chức biến chất can thiệp và cuối cùng sẽ cải thiện tính minh bạch, hiệu quả trong quản trị cũng như uy tín với nhân dân.
Tờ Economist tháng 6/2017 dẫn một khảo sát của IBM cho thấy 9 trên 10 các cơ quan nhà nước trên thế giới được hỏi thừa nhận có kế hoạch đầu tư vào blockchain để quản lý các giao dịch tài chính, tài sản, hợp đồng và việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức trong những năm tới.
Theo tờ Reuters ngày 07/09 đưa tin Ukraine sẽ dùng blockchain để quản lý việc đăng ký đất nông nghiệp do lẽ hệ thống hiện tại có nhiều lỗ hổng, dễ bị lợi dụng để lừa đảo hoặc dẫn đến tranh chấp về quyền sở hữu.
Tương tự, ngày 18/7/2017 UK Land Registry đã đưa ra kế hoạch với tên gọi "Digital street" nhằm nghiên cứu, thử nghiệm việc đăng ký thông tin sở hữu, chuyển đổi và giao dịch nhà đất sử dụng công nghệ Blockchain.
Tương tự, cơ quan quản lý đất đai quốc gia nhỏ bé Georgia gần đây đã chuyển việc đăng ký quyền sở hữu đất sang blockchain và hệ thống này hiện đang xử lý 160.000 hồ sơ, theo Economist. Bộ trưởng Tư pháp Georgia Thea Tsulukiani cho rằng blockchain sẽ giúp công dân nước này “ngủ ngon” mà không phải lo về quyền sở hữu đất đai, ngụ ý sẽ không có gian lận hay tiêu cực trong quy trình quản lý.
Trong khi đó, ngày 17/06/2017 tờ Reuters cũng đưa tin Thụy Điển cũng đang thử nghiệm việc quản lý đất đai dựa trên blockchain, còn Dubai muốn áp dụng công nghệ này để vận hành cả bộ máy chính phủ vào năm 2020.
Còn tại Estonia, vốn được xem là nhà tiên phong trong việc “số hóa” chính phủ, từ lâu cũng đã áp dụng các công nghệ tương tự blockchain để bảo mật hồ sơ y tế và quản lý cơ sở dữ liệu của chính phủ.
Nga chính là một trong số những nước lớn trên thế giới tỏ ra rất năng động với Blockchain. Giờ đây, đất nước có diện tích lớn nhất thế giới dường như lại tiếp tục thể hiện sự đi đầu trong việc tiếp cận Blockchain. Theo những thông tin mới nhất thì Nga đã chính thức hoàn thành việc triển khai công nghệ Blockchain ở cấp chính phủ lần đầu tiên.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Sberbank của nước này đã công bố ngày 24/12 rằng họ đang hợp tác với Cơ quan chống độc quyền Liên bang Nga (FAS) để thực hiện chuyển giao tài liệu và lưu trữ thông qua blockchain.
Bắt nhịp xu hướng công nghệ blockchain tại Việt Nam
Ngày 20/12/2017 tại Hà Nội, buổi tọa đàm với chủ đề "Bitcoin và làn sóng Blockchain" ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT, TGĐ CTCP Chứng khoản Sài Gòn (SSI) có nêu lên việc nhiều người hiện nay vẫn nhầm lẫn Bitcoin là Blockchain tuy nhiên về bản chất, hai khái niệm này là hoàn toàn khác nhau. Phát triển Blockchain cần được khuyến kích còn kinh doanh tiền ảo để đầu cơ cần được kiểm soát, tránh tình trạng đa cấp, đổ vỡ.
Trước đó, ngày 18/12/2017 tại Hà Nội một nhóm lớn các nhà phát triển có kinh nghiệm đã giới thiệu giải pháp ứng dụng các ưu điểm của Blockchain trong việc quản trị, hỗ trợ doanh nghiệp quản lý sản xuất, giám sát chất lượng hàng hóa và liên kết phát triển thương mại điện tử thông qua sản phẩm hệ sinh thái UHUB của mình.
Trong buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Yêu - nhà sáng lập UHUB.io đã trình bày hệ sinh thái UHUB xoay quanh công nghệ Blockchain 3.0 bao gồm HUB Exchange, HUB marketplace và HUB Connector, nhóm phát triển dự án UHUB mong muốn xây dựng một hệ sinh thái mang lại lợi ích thật sự cho cả cộng đồng sử dụng cũng như toàn xã hội.
"Nếu giải pháp hệ sinh thái UHUB được ủng hộ, hoàn thiện và áp dụng rộng rãi thì với lợi thế công nghệ Blockchain 3.0 mọi trao đổi tài chính, giao dịch thương mại điện tử, y tế, giáo dục... tại Việt Nam đều minh bạch và được kiểm soát. Đơn cử như việc thông qua HubExchange, mọi khoản phí chúng ta hiện đang phải trả cho visa, quảng cáo google và facebook đều được loại bỏ. Qua đó, hệ sinh thái UHUB sẽ đóng góp nhiều lợi ích cho ngân sách quốc gia thông qua hình thức quản lý doanh thu và giám sát việc nộp thuế vào ngân sách nhà nước của các hộ kinh doanh cá thể nói riêng cũng như các doanh nghiệp nói chung" ông Nguyễn Văn Yêu chia sẻ.
Công nghệ blockchain có thể sẽ đi vào cuộc sống rất sớm. Việc sớm nghiên cứu và áp dụng công nghệ này cũng sẽ là cơ hội để Việt Nam chủ động bắt nhịp với sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Trong số các nguy cơ và thách thức mà blockchain đang đối mặt, các doanh nghiệp khi muốn áp dụng blockchain cần trang bị cho mình kiến thức, bản lĩnh, và nhân lực sẵn sàng đối mặt với sự phát triển của nền kinh tế, tài chính và công nghệ trong một tương lai không xa.
"Nếu bạn muốn dẫn đầu hãy là người bắt đầu" câu “slogan” đầu tiên của công ty FPT-Arena Multimedia rất đúng với hoàn cảnh phát triển như vũ bão của công nghệ Blockchain trên toàn cầu. Vì chỉ có là người tiên phong khai mở một con đường chưa từng ai đặt chân tới chúng ta mới là người dẫn đầu cho dù có thể sẽ đầy gian nan, thử thách.
Với tiềm năng to lớn của Blockchain, nhiều khả năng trong tương lại gần những ứng dụng kỹ thuật này sẽ làm biến đổi đáng kể cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ Blockchain cũng cần được các nhà quản lý giám sát và điều tiết một cách phù hợp nhằm tuân theo đúng quy định của pháp luật.