Theo hãng tin Bloomberg, thế giới sắp phải chịu một nạn đói kém chưa từng có do đại dịch Covid-19. Báo cáo mới nhất của Tổ chức nông lương quốc tế (FAO), Quỹ nhi đồng quốc tế (UNICEF), Chương trình lương thực quốc tế (WFP) cùng Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy hiện gần 690 triệu người trên toàn cầu, phần lớn là tại Châu Á, đang lâm vào cảnh đói ăn, tương đương 8,9% tổng dân số và nhiều hơn 10 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 có thể khiến thêm 132 triệu người nữa lâm vào cảnh đói ăn, nâng tổng số lên 822 triệu người, tương đương 10.6% tổng dân số.
12.000 người chết/ngày vì đói
Đại dịch Covid-19 hiện đang làm đình trệ chuỗi cung ứng lương thực, tàn phá nhiều nền kinh tế cũng như xói mòn sức tiêu dùng trong xã hội. Một số dự báo còn cho thấy vào cuối năm 2020, số người chết vì đói mỗi ngày do ảnh hưởng từ dịch bệnh còn nhiều hơn cả số người nhiễm dịch Covid-19.
Ngày càng nhiều người dân cần sự trợ giúp của các ngân hàng lương thực và tổ chức từ thiện
Điều trớ trêu là trong khi nhiều người chết đói thì lượng lương thực tại nhiều quốc gia lại đang thừa mứa và chẳng đủ nhân công để thu hoạch.
Theo báo cáo của FAO, khoảng 2 tỷ người trên thế giới hiện đang không được tiếp cận với đầy đủ lương thực, thực phẩm hay những nguồn dinh dưỡng cần thiết. Tổ chức này cảnh báo đến năm 2030, số người lâm vào cảnh đói ăn sẽ vượt 840 triệu người.
Thậm chí tại những nơi giàu có như quận Queens-New York-Mỹ, hàng dài người xếp hàng đợi đến 8 tiếng đồng hồ trước cửa ngân hàng lương thực chỉ để nhận những hộp thực phẩm có thể giúp họ chống đói cả tuần. Trái ngược lại, những nông dân ở bang California-Mỹ lại để rau diếp héo ngoài đồng còn các trang trại ở thủ đô Washington thì để quả thối rữa trên cây vì chẳng có ai thu hoạch mùa dịch.
Tại Uganda, chuối và cà chua tràn ngập thị trường với giá rẻ nhưng chẳng ai mua nổi khi tầng lớp lao động tại đây bị mất việc vì dịch. Những chuyến hàng chở gạo và thịt liên tục lênh đênh trên biển khi hệ thống logistic bị tắc nghẽn ở nhiều nước như Philippines, Trung Quốc hay Nigeria. Thậm chí Nam Phi và Venezuela đã xuất hiện nạn đói diện rộng.
"Cuộc khủng hoảng lương thực này sẽ tác động đến nhiều thế hệ khi ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, sinh sản và di truyền. Đến tận năm 2120, chúng ta vẫn sẽ phải nhắc đến cuộc khủng hoảng lương thực này", Giám đốc Mariana Chilton của trung tâm chống đói CHFC nhận định.
Tổ chức Oxfam International ước tính đến cuối năm nay, khoảng 12.000 người sẽ chết mỗi ngày vì đói do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhiều hơn cả số người thiệt mạng vì dịch khi đó.
Hãng tin Bloomberg nhận định dịch Covid-19 đang làm lộ rõ sự bất bình đẳng trong xã hội khi tầng lớp nghèo thậm chí chẳng đủ ăn trong khi giới thượng lưu ngày một giàu hơn bất chấp mùa dịch bệnh. Hàng triệu lao động đã bị đẩy ra đường và chẳng có thu nhập để nuôi gia đình dù chính phủ đã bơm hàng nghìn tỷ USD trợ cấp. Một hình ảnh thật trớ trêu khi chứng khoán nhiều nước liên tục lập đỉnh sau những gói cứu trợ của chính phủ còn người dân nghèo vẫn chết đói hàng ngày.
Hàng đoàn xe xếp hàng chờ trước cổng một ngân hàng lương thực
Những lệnh giãn cách vì dịch đang khiến hệ thống cung ứng lương thực trên toàn cầu bị đổ vỡ. Người dân không còn đi ăn nhà hàng khiến cho những người nông dân tại Mỹ phải đổ bỏ sữa và trứng vì chẳng ai mua, trong khi lượng lớn hộ gia đình Mỹ lại đang đói ăn do thất nghiệp. Sự bất cập trong chuỗi cung ứng không thể tái phân phối số trứng sữa này cho người dân cũng góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.
Vứt bỏ nông sản
Chủ trang trại Don Cameron tại California cho biết anh đã lỗ tới 55.000 USD cho cánh đồng bắp cải của mình. Khoảng 50% số lỗ đó, tương đương 24.000 USD là do quyết định quyên góp bắp cải cho ngân hàng lương thực của anh Cameron sau khi chẳng còn mấy người mua mùa dịch. Khách hàng của anh phần lớn là những nhà môi giới hay các nhà hàng.
Mang tiếng là quyên góp nhưng anh Cameron vẫn phải thanh toán chi phí cho nhân công thu hoạch, vận chuyển cũng như các thùng carton đựng bắp cải. So sánh với việc cứ vứt chúng héo rũ ngoài đồng, việc cố gắng thu hoạch quyên góp cho người dân quả là đắt đỏ trong mùa dịch.
"Chúng tôi biết rằng nhiều vùng của nước Mỹ đang cần nông sản của chúng tôi nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng như hiện nay không cho phép điều đó diễn ra", anh Cameron ngậm ngùi nói trong khi để mặc 50.000 tấn bắp cải héo rũ ngoài đồng do ngân hàng lương thực gần đó chẳng thể chi trả các chi phí thu hoạch cho anh.
Theo báo cáo liên hợp của FAO, WHO và WFP, ước tính trong kịch bản tồi tệ nhất, khoảng 1/10 tổng dân số thế giới sẽ lâm vào cảnh đói ăn trong năm nay. Ngoài những rủi ro như không đủ lương thực, hàng triệu người còn phải đối mặt với rủi ro như suy dinh dưỡng hay tiểu đường do không duy trì được chế độ ăn uống cần thiết theo nhu cầu.
Thậm chí trong kịch bản tích cực nhất, khủng hoảng lương thực hiện nay cũng sẽ kéo dài nhiều thế hệ sau này. Liên hiệp quốc (UN) dự báo tác hại của nạn đói hiện nay sẽ còn kéo dài trong 10 năm tới. Tính đến năm 2030, số người suy dinh dưỡng trên toàn cầu có thể đạt tới 909 triệu người.
Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế Arif Husain của WFP nhận định dịch Covid-19 là một trong những cuộc khủng hoảng hiếm hoi khiến khả năng tiếp cận nguồn lương thực trên thế giới bị hạn chế.
Việc đói ăn có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của con người, điều đặc biệt nguy hiểm trong mùa dịch bệnh. Chúng cũng khiến mọi người ít vận động hơn, gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, sinh sản… Thậm chí, suy dinh dưỡng còn tác động đến nhiều chức năng của não nếu nghiêm trọng. Những trẻ em suy dinh dưỡng sẽ để lại nhiều di chứng khi trưởng thành và thậm chí là cho các thế hệ con cái sau này.
Tồi tệ hơn, việc đói ăn còn dẫn đến những hệ lụy như ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, gây khó khăn trong việc học hành hoặc kiếm việc làm sau này, qua đó tạo thành vòng đói nghèo luẩn quẩn.
Chính phủ nhiều nước cùng các tổ chức từ thiện trên thế giới đã cố gắng cứu trợ những người đói nghèo trên toàn cầu nhưng lượng người cần hỗ trợ hiện nay ngày một nhiều. Chương trình WFP hiện cần tới khoản tiền kỷ lục 13 tỷ USD trong năm nay mới có thể chuyển giao lương thực đến 83 quốc gia và họ vẫn đang thiếu khoảng 4,9 tỷ USD để đủ tài chính.
Khủng hoảng toàn diện
Không dừng lại ở đó, việc đói ăn sẽ kích động người dân gây mất trật tự xã hội. Những cuộc biểu tình ở Lebanon hay Chile thời gian vừa qua chủ yếu là do thiếu lương thực và nhu yếu phẩm. Việc chính phủ không đảm bảo nguồn cung lương thực có thể kích động những tệ nạn như trộm cướp, mại dâm cùng nhiều bất ổn trong xã hội.
Số liệu của UN cho thấy nguồn cung lương thực trên thế giới quá thừa để đáp ứng nhu cầu cho mỗi người dân. Thế như vì nhiều lý do mà ngay cả nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ vẫn có gần 2% dân số, tương đương hơn 5 triệu người không thể ăn như ý muốn. Hiện hơn 3 triệu người Mỹ chẳng có đủ lương thực cơ bản hàng ngày.
Đoàn xe chở hàng tắc nghẽn mùa dịch Covid-19
Tại Ấn Độ, khoảng 78% dân số không thể ăn uống như ý muốn, tương đương hơn 1 tỷ người phải chấp nhận ăn theo chế độ không khoa học chỉ để sống sót. Số liệu này thậm chí còn chưa tính đến những tác động lâu dài của đại dịch với hệ thống cung ứng lương thực.
Tốn kém và hệ thống logistic yếu là những yếu tố khiến người dân chết đói ngày một nhiều trong mùa dịch. Ví dụ như tại Bỉ, nhiều ngân hàng lương thực và tiệm tạp hóa không có hệ thống đông lạnh đủ tiêu chuẩn để giữ thực phẩm lâu ngày và sau nhiều lời phàn nàn về những miếng thịt bị mốc, các tập đoàn như Belgapom đã ngừng bán và đổ 750.000 tấn thịt ra bãi rác.
"Rất khó để đưa lượng sữa thừa tại bang Wisconsin-Mỹ đến cho những người dân đang đói ở Malawi. Đây là một giải pháp chẳng hề thực tế", Giáo sư William Moseley của trường Macalester College nhận định.
Trong khi người dân bị đói còn các chủ trang trại chịu lỗ phải vứt bỏ nông sản vì chẳng ai mua hàng, giá lương thực tại nhiều nơi lại đi lên vì hệ thống logistic bị đình trệ còn đồng tiền thì mất giá sau những gói cứu trợ khổng lồ của chính phủ.
Giá lương thực tại những vùng Châu Phi hay Trung Đông đã tăng mạnh, trong khi nhiều nước Châu Âu và Mỹ cũng chứng kiến người dân đổ xô đi tích hàng và đẩy giá nhu yếu phẩm lên cao.
"Nếu nhìn vào tình hình hiện nay thì không thể không nghĩ rằng chúng ta đang gặp rắc rối lớn", CEO Nate Mook của tổ chức World Central Kitchen nhận định.