Fed thu hẹp các chính sách lãi suất cực thấp không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam
Trong bài phát biểu tại hội nghị thường niên của Fed ở Jackson Hole trước các quan chức ngân hàng trung ương và học giả, ông Powell cho biết, nền kinh tế Mỹ đã được cải thiện đáng kể trong năm nay.
Đồng thời, ông Powell nhấn mạnh, việc Fed giảm bớt chương trình mua trái phiếu trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng không đồng nghĩa họ có kế hoạch sớm bắt đầu nâng lãi suất chuẩn ngắn hạn, vốn được giữ ở mức gần 0% kể từ khi đại dịch tàn phá nền kinh tế vào tháng 3/2020. Việc tăng lãi suất sẽ không có khả năng bắt đầu cho đến khi Fed hoàn thành việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu của mình, dự kiến vào giữa năm 2022.
Liên quan đến ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam, Giám đốc đầu tư Andy Ho của VinaCapital nhấn mạnh, điều quan trọng đó là những tác động của việc cắt giảm này liệu có ảnh hưởng gì đến Việt Nam và các thị trường mới nổi nói chung hay không.
"Nếu nhìn lại quá khứ vào năm 2013, rất nhiều quốc gia đã can thiệp thị trường nhằm ghìm giá nội tệ trước làn sóng nới lỏng định lượng toàn cầu. Thực tế là do họ vay rất nhiều bằng đồng USD. Song thời điểm này, Việt Nam không vay được nhiều từ đồng USD", ông Andy Ho nhấn mạnh.
Do vậy, theo đại diện VinaCapital, những quyết định của Fed hiện không có ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam.
Yếu tố thúc đẩy lượng tiền đổ vào TTCK
Tuy nhiên, làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 hiện nay đang ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế tổng thể, cũng như vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị. Ông Andy cho rằng, nếu nhìn vào cấu trúc nền kinh tế, kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào tiền mặt.
"Đó là một trong những lý do vừa qua, thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam lập kỷ lục mới. Khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày của Việt Nam tăng từ khoảng 200 triệu USD mỗi ngày vào năm ngoái, lên đến 2 tỷ USD mỗi ngày trong phiên giao dịch vừa qua".
Có thể thấy, lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán ngày càng nhiều. Theo ông Andy, xu hướng này cũng được thúc đẩy khi Chính phủ khuyến khích tái đầu tư vào nền kinh tế. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng không có nhiều lựa chọn thay thế, khi chỉ có trái phiếu, gửi tiết kiệm, vàng hoặc chứng khoán.
"Và do vậy, điều này cũng giúp nhiều doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn. Trên thực thế, xu hướng này không thường xuyên xảy ra tại các nền kinh tế khác".
Hơn nữa, có rất nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với hàng loạt thách thức trong giai đoạn này. Ông Andy Ho khẳng định, "chìa khoá" của toàn bộ vấn đề này là doanh nghiệp cần phải có dòng tiền mạnh.
"Nếu một doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại có doanh thu giảm, giá trị cổ phiếu cũng giảm nhưng họ có một bảng cân đối kế toán tốt, thì tôi nghĩ việc đầu tư vào doanh nghiệp này sẽ là cơ hội tốt. Ngược lại, nếu nhìn vào tình kinh doanh trên bảng cân đối kế toán của một doanh nghiệp mà thấy tương đối yếu, vay nợ quá nhiều thì doanh nghiệp sẽ rất khó để vượt qua giai đoạn này".
Thời điểm Phó Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam là rất kịp thời
Liên quan đến sự kiện Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sang thăm Việt Nam vừa qua sẽ tác động ra sao đến làn sóng đầu tư, ông Andy cho biết, cộng đồng các nhà đầu tư đã nhìn thấy tín hiệu tích cực qua chuyến thăm lần này.
"Thời điểm của chuyến thăm lần này là vô cùng kịp thời, khi rất nhiều nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Hoa Kỳ đã kêu gọi viện trợ vaccine từ Hoa Kỳ cho Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực sản xuất".
Ngay trong chuyến thăm, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã công bố việc Mỹ tặng thêm 1 triệu liều vắc xin Pfizer cho Việt Nam. Trên thực tế, Mỹ cũng là nước tài trợ vaccine lớn nhất cho Việt Nam.
"Vì vậy, đây là một chuyến thăm đúng thời điểm và sẽ giúp ích cho làn sóng đầu tư rất nhiều, đặc biệt là vào các doanh nghiệp dệt may và da giày, khu vực Việt Nam xuất khẩu rất mạnh sang Hoa Kỳ", ông Andy kết luận.