Nhà đầu tư kỳ cực trên Phố Wall – Ned Davis, mới đây cũng bày tỏ sự lo ngại về vấn đề này, ông chỉ ra đà tăng với tốc độ ánh sáng và khối lượng giao dịch tăng mạnh mẽ trước phiên giao dịch ngày hôm qua. Kết thúc phiên 23/7, Nasdaq 100 rớt 2,8%, xóa sạch mức tăng trong tuần qua.
Theo đó, cổ phiếu của Microsoft và Tesla đã đối mặt với mối lo ngại về rủi ro, rớt giá dù kết quả kinh doanh vượt dự báo của các nhà phân tích. Cổ phiếu của các công ty phần mềm và internet lớn nhất – thuộc nhóm FANG, đã rớt 6 trên 9 phiên giao dịch gần đây, mất 4,6% trong khoảng thời gian này và ghi nhận diễn biến tồi tệ nhất kể từ tháng 3.
Davis viết trong ghi chú gửi khách hàng của Ned Davis Research: "Nasdaq 100 đối với tôi hiện tại như một quả bong bóng. Nếu đây không phải là một dấu hiệu của việc ‘đu đỉnh’ để đầu cơ, thì tôi cũng không biết đó là gì."
Mức tăng của Nasdaq 100 đã vượt qua S&P 500.
Ông cũng so sánh tốc độ tăng của chỉ số công nghệ này so với S&P 500 và nhận thấy tỷ lệ giá đã vượt qua mức đỉnh từng chứng kiến trong thời điểm bong bóng dot-com năm 2000. Tương tự, lượng giao dịch của toàn bộ cổ phiếu niêm yết trên Nasdaq đã tăng vọt lên mức kỷ lục so với NYSE, khi nhà đầu tư dồn tiền đầu cơ.
Tiếng chuông cảnh báo như vậy đã xuất hiện trong những tháng gần đây khi S&P 500 gần như đã xóa bỏ hoàn toàn mức giảm khi rơi vào thị trường "gấu", hồi phục mạnh mẽ bất chấp kinh tế suy thoái và đại dịch tái bùng phát. Dẫu vậy, đà tăng này vẫn chỉ là một phần nhỏ so với Nasdaq 100 – được thúc đẩy bởi các công ty phần mềm và internet hưởng lợi từ quy định giãn cách xã hội. Chỉ số này đã tăng hơn 50% kể từ mức đáy hồi tháng 3, đưa ESP lên mức cao nhất trong 2 thập kỷ.
Khi rủi ro ngày càng có dấu hiệu lớn hơn, những chuyên gia thị trường như chiến lược gia Tony Dwyer đến từ Canaccord Genuity LLC nhanh chóng chỉ ra một số điểm khác biệt so với năm 2000. Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã thắt chặt chính sách tiền tệ, với mức lãi suất chuẩn tăng lên 6,5%. Hiện tại, NHTW đã hạ lãi suất xuống gần mức 0 và cho biết họ sẵn sàng ứng phó với tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế Mỹ.
Theo Dwyer, một yếu tố khác hỗ trợ cho đà tăng của thị trường là mức độ tham gia thị trường lớn hơn. Dù rõ ràng rằng các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đã "thống trị" đà tăng của thị trường, nhưng khác công ty khác cũng không hoàn toàn bị tụt lại phía sau. Chỉ báo ADL (đường lên/xuống giá cổ phiếu) đối với các cổ phiếu niêm yết trên NYSE đang ở gần mức cao nhất mọi thời đại. Ngược lại, vào năm 2000, tín hiệu phần kỳ ở độ rộng (market breadth) lại ở mức thấp trong 2 năm.
Diễn biến của Nasdaq 100 và lãi suất được Fed điều chỉnh.
Dwyer cho hay: "Trong khi nhiều người lo ngại về diễn biến hiện tại giống như bong bóng dot-com năm 2000, thì bối cảnh vĩ mô lại cho thấy một điều khác. Bối cảnh vĩ mô hiện tại rất khác so với năm 1999, cho thấy rằng đà giảm chỉ là diễn biến tạm thời."
Tuy nhiên, đà tăng được thúc đẩy chủ yếu bởi cổ phiếu công nghệ vẫn gây ra nhiều nghi ngại. Theo DataTrek Research, nếu Facebook, Amazon, Alphabet được phân loại là cổ phiếu công nghệ trong S&P 500, thay vì ngành truyền thông và tiêu dùng không thiết yếu như hiện tại, thì chỉ số theo dõi ngành này sẽ tăng khoảng 10 điểm phần trăm lên 37,5%. Con số này thậm chí còn vượt qua mức đỉnh của ngành này khi bong bóng internet diễn ra là 32,5%.
Mức tăng trên không chỉ lớn nhất đối với ngành công nghệ mà còn cao hơn toàn bộ những lĩnh vực khác ít nhất kể từ năm 1980. Trong khi đó, theo DataTrek, mức đỉnh kỷ lục trong ngành gần nhất là 29% của lĩnh vực công nghệ trong tháng 12/1980.
Nicholas Colas – đồng sáng lập của DataTrek, cho biết: "Nếu các công ty dầu mỏ bình thường trong S&P 500 đã từng ghi nhận đà tăng 29%, vậy tại sao lĩnh vực công nghệ một ngày nào đó lại không thể đạt mức 50%? Đúng vậy, ở thời điểm đó tôi cho rằng chúng ta đều đồng tình rằng công nghệ sẽ trở thành một quả bong bóng như năng lượng vào năm 1980. Nhưng điều này vẫn chưa đến."
Tham khảo Bloomberg