Dựa vào dữ liệu theo dõi chuyến bay, Bloomberg tin rằng chiếc Boeing 737-800 của hãng hàng không China Eastern Airlines gặp nạn hôm 21/3 đã lao xuống sườn đồi với vận tốc lên tới 966 km/h. Thậm chí, trong hành trình, máy bay có thể đã đạt tới vận tốc 1.160 km/h, gần bằng tốc độ âm thanh.
Tuy nhiên, những dữ liệu này có thể cho thấy sự phức tạp trong việc điều tra nguyên nhân tai nạn. Đây là trường hợp hiếm hoi một chiếc máy bay có thể lao xuống với vận tốc như thế. Cú va chạm cũng có thể làm hỏng các hộp đen của máy bay cho dù nó được thiết kế để chịu được hầu hết các va chạm khi tai nạn xảy ra.
John Hansman, giáo sư hàng không và du hành vũ trụ của Viện Công nghệ Massachusetts, người đã xem xét tính toán của Bloomberg về tốc độ của máy bay, cho biết: "Dữ liệu sơ bộ cho thấy máy bay di chuyển với vận tốc cận âm khi đang lao xuống".
Âm thanh di chuyển với tốc độ 1.217 km/h khi ở gần mực nước biển. Tuy nhiên, càng lên cao, âm thanh di chuyển càng chậm. Tại độ cao 10.668 m, âm thanh di chuyển với vận tốc 1.068 km/h.
Chuyến bay 5735 gặp nạn khi đang trên đường từ Quảng Châu tới Côn Minh với 132 người trên khoang. Nó hạ độ cao đột ngột từ 9km. Chiếc phi cơ di chuyển với vận tốc 950 km/h trước khi gặp phải cú bổ nhào.
Dữ liệu ghi tốc độ cho thấy sự phù hợp với những hình ảnh ghi lại cảnh máy bay lao xuống theo phương gần như thẳng đứng. Điều đó cho thấy cú va chạm tạo ra một lực tác động khủng khiếp.
"Đó là một vụ tai nạn với lực cực mạnh. Có vẻ chiếc máy bay đã bốc hơi theo đúng nghĩa đen và hình thành một cái hố trên đất. Ngay cả các hộp đen của máy bay có thể cũng không còn nguyên vẹn", Bob Mann, chủ tịch của công ty tư vấn R.W. Mann & Co., người không tham gia phân tích tốc độ, cho biết.
James Cash, người từng là cố vấn kỹ thuật trưởng của Ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ, cho biết những chiếc hộp đen hiện đại, sử dụng chip để lưu trữ dữ liệu, có thể an toàn trong các vụ va chạm ngay cả khi tốc độ đâm xuống rất cao. Điều khó khăn là tìm được con chip đó.
Cấc bảng mạch lưu trữ dữ liệu thường bị tách khỏi lớp bảo vệ bên ngoài của máy ghi. Nhưng dữ liệu vẫn có thể được trích xuất ngay cả khi thiết bị hỏng. "Dù nó không hỏng nhưng có thể lẫn vào đất đá ở đâu đó, khó mà có thể tìm thấy", ông Cash nói.
Zhu Tao, một quan chức của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, cũng cho biết sẽ không có tiếng "ping" nào được nghe thấy bởi hộp đen sẽ chỉ kích hoạt khi máy bay lao xuống dưới nước.
Hai chiếc hộp đen, một là ghi âm buồng lái và chiếc còn lại lưu trữ dữ liệu chuyến bay trên chiếc Boeing 737-800 gặp nạn do Honeywell International Inc. cung cấp. Đây là những thiết bị được lắp lên máy bay trước khi xuất xưởng.
Tuy nhiên, không ít trường hợp hộp đen mãi mãi không bao giờ được tìm thấy khi tai nạn xảy ra. Thiếu chúng, các nhà điều tra sẽ thiếu đi những manh mối quan trọng nhằm tìm ra nguyên nhân tai nạn.
Tham khảo: Bloomberg