Theo Bloomberg, CTCP VNG – 1 trong 2 kỳ lân công nghệ của Việt Nam cùng với VnLife – đang cân nhắc việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua việc sáp nhập với 1 công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC).
VNG đang làm việc với bên tư vấn để tổ chức thảo luận với các SPAC. Nguồn tin của Bloomberg cho biết, giao dịch có thể định giá VNG ở mức từ 2 – 3 tỷ USD; đồng thời cho biết thêm, các cuộc thảo luận đang diễn ra và công ty có thể theo đuổi các lựa chọn huy động vốn khác.
Trong khi đó, đại diện của VNG cho biết không có quyết định nào về IPO hoặc SPAC được thông qua và từ chối bình luận về vấn đề này.
Theo Bloomberg, VNG có kế hoạch niêm yết trên Nasdaq từ năm 2017.
Một thoả thuận nếu xảy ra sẽ chứng kiến việc VNG cùng các công ty Đông Nam Á khác niêm yết tại Mỹ thông qua việc sáp nhập với công ty "séc trắng".
Công ty bất động sản trực tuyến của Singapore – PropertyGuru đã có thoả thuận với SPAC trị giá 1,8 tỷ USD vào tháng 7. Traveloka của Indonesia cũng đang đàm phán để niêm yết thông qua sáp nhập với SPAC.
VNG hiện là công ty game online lớn nhất Việt Nam. Doanh nghiệp này cũng sở hữu ứng dụng nhắn tin gọi điện Zalo, ví điện tử ZaloPay và đầu tư vào một số công ty công nghệ khác như Tiki, Ecotruck, Got It, FPT Online...
Nửa đầu năm 2021, VNG đạt tổng doanh thu 3.508 tỷ đồng, tăng 23%. Lợi nhuận sau thuế 221 tỷ đồng, giảm 17%. Nhưng lợi nhuận ròng đạt 438 tỷ đồng, tăng 19%.
Kết quả này sáng sủa hơn nhiều so với kế hoạch kinh doanh mà đại hội đồng cổ đông VNG đã thông qua hồi cuối tháng 6. Theo đó, năm 2021 VNG đặt mục tiêu doanh thu 7.609 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6 tỷ đồng, lợi nhuận công ty mẹ âm 619 tỷ đồng.
Các cổ đông lớn của VNG hiện gồm có CEO Lê Hồng Minh, Tenacious Bulldog Holdings Limited, Prosperous Prince Enterprises Limited và 2 quỹ của Chính phủ Singapore là GIC và Temasek.
Tháng 3/2019, thương vụ mua cổ phần của Temasek đã định giá VNG ở mức 2,2 tỷ USD. Thương vụ mua bán cổ phần đáng chú ý nhất gần đây của VNG là nhóm Mirae Asset mua lại 1,4% vốn điều lệ của VNG từ bà Julie Thien Nga Lam - vợ CEO VinaCapital.
Trong nửa cuối năm 2021, VNG sẽ thực hiện việc bán ra hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho các nhà đầu tư trong nước. Đây là lượng cổ phiếu quỹ được công ty mua vào cách đây 10 năm. Đặc biệt, cổ đông ngoại Tencent vẫn đang sở hữu quyền mua 1,033 triệu cổ phiếu phổ thông của VNG (tương ứng 2,88% vốn cổ phần) cho đến hết năm 2021.
Hiện tại, VNG vẫn là một công ty đại chúng do vậy việc niêm yết tại Mỹ có thể sẽ phức tạp hơn so với các công ty tư nhân khác. Nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của VNG không đề cập đến vấn đề này.
Hãng xe VinFast cũng đang có những động thái để tiến hành niêm yết tại Mỹ.