Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Bangkok và Nonthaburi của Thái Lan, ngày 4/11, theo Dự thảo Tuyên bố chung của các lãnh đạo ASEAN, việc ký kết RCEP sẽ được lùi sang năm 2020.
Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit nói với các phóng viên rằng 16 quốc gia đã đồng ý đưa ra tuyên bố RCEP chung và hai quốc gia còn lại đang tiến hành đàm phán tiếp cận thị trường. Ông nói, Ấn Độ đã đồng ý đưa ra tuyên bố chung, nhưng không đưa ra thỏa thuận chi tiết. Ông Jurin cho biết các bộ trưởng RCEP sẽ cố gắng hoàn thành thỏa thuận vào cuối năm nay, mở đường cho nó được ký kết vào năm tới.
Theo dự thảo nói trên, các quốc gia thành viên đều đồng thuận ký kết RCEP vào năm 2020 tại Việt Nam - chủ tịch sắp tới của ASEAN.
RCEP - có thể được ký kết vào năm tới - bao gồm các nền kinh tế chiếm tới 30% GDP toàn cầu: 10 quốc gia ASEAN cộng với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand - đặc biệt là Hoa Kỳ. Chỉ tính riêng dân số của các quốc gia trong hiệp định này đã chiếm hơn một nửa dân số thế giới.
Có thể nói đây là hiệp ước tạo điều kiện gần như tối đa cho Việt Nam trong việc thoả mãn các nguyên tắc xuất xứ nội khối để tận dụng các ưu đãi thuế quan. Chính điều này tạo ra sự khác biệt rất lớn giữa RCEP và các hiệp định thương mại tự do khác. Tuy nhiên, trong khối RCEP cũng có rất nhiều đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam như Thái Lan hay Trung Quốc,...
Thỏa thuận này là một động lực mới khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra, với cảnh báo của IMF rằng tăng trưởng toàn cầu có thể giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm do bất ổn thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Chúng ta một lần nữa phải đối mặt với những cơn gió mạnh của chủ nghĩa bảo hộ thương mại", Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết hôm thứ Hai. "Chúng ta cần bảo vệ trật tự thương mại tự do ... và đưa nền kinh tế toàn cầu trở lại đúng hướng."
Khi hoàn tất, RCEP sẽ tạo ra một khu vực mậu dịch tự do rộng lớn, trong đó có nhiều đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.