Chứng khoán Việt Nam được nhận định tiếp tục đà tăng trưởng thần tốc bất chấp làn sóng dịch bệnh lần thứ 4. Theo đó, chỉ số VN-Index vẫn ghi nhận biến động tích cực, nằm trong top đầu khu vực châu Á với mức tăng trưởng 21% từ đầu năm đến nay. Đồng thời các nhận định đều cho rằng đà thăng hoa này sẽ vẫn tiếp tục trong phần còn lại của năm 2021.
Một số nhận định cho rằng chỉ số trên sàn HoSE có thể tăng trưởng 12% lên mốc 1.500 điểm vào cuối năm, nhờ sự hỗ trợ bởi nhu cầu của các nhà đầu tư cá nhân với các cổ phiếu đang ở mức định giá tương đối hấp dẫn.
Biến động của của một số chỉ số chứng khoán trong khu vực so với thời điểm cuối năm 2020 (%).
Theo Bloomberg, các nhà đầu tư trong nước đã tiếp tục mua mạnh khi những lo ngại về tình hình đại dịch sẽ được kiểm soát. Trong tháng 5, chỉ số Vn-Index đã leo dốc cao nhất trong khu vực với mức tăng trưởng 7%.
Thị trường chứng khoán vẫn có khả năng phục hồi một phần do nỗ lực của chính phủ nhằm kiểm soát dịch bệnh đồng thời sự tranh thủ tối đa của nhà đầu tư nội địa với cơ hội lãi suất thấp.
Trong phiên giao dịch 1/6 vừa rồi đã ghi nhận tổng giá trị giao dịch lập đỉnh cao nhất mọi thời đại với hơn 1 tỷ USD được đổ vào thị trường chứng khoán, phần lớn đến từ dòng tiền đổ vào mạnh của những nhà đầu tư cá nhân.
Bên cạnh đó, kỳ vọng về sự quay trở lại mua ròng của các nhà đầu tư ngoại trong cuối năm 2021 sẽ thúc đẩy dòng tiền chảy vào thị trường, từ đó giúp gia tăng lợi nhuận và sự tăng trưởng của toàn hệ thống.
Khối lượng giao dịch trên TTCK Việt Nam qua các năm (nghìn tỷ đồng).
Một số nhận định của các nhà phân tích về thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo ông Stephen McKeever, Giám đốc điều hành khối khách hàng tổ chức tại CTCP Chứng khoán TPHCM, thị trường Việt Nam đang được hỗ trợ bởi tính thanh khoản cao, đồng thời là các yếu tố tăng trưởng kinh tế và định giá hấp dẫn. Ông kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ đạt mức tăng trưởng 30% trong năm nay đồng thời chỉ số VN-Index sẽ đạt ngưỡng 1.500 vào cuối năm.
Giám đốc Phát triển KHTC tại CTCK SSI Cao Thị Ngọc Quỳnh đưa ra con số 30% cho mức tăng trưởng của chỉ số VN-Index và nhận định đây sẽ là "chuyển động chưa từng có" với thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, dòng vốn từ nội địa được dự báo sẽ nhiều hơn dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Sự hỗ trợ tốt của môi trường vĩ mô và lãi suất thấp tạo điều kiện tăng trưởng cho doanh nghiệp hay thúc đẩy M&A. Sự bơm vốn nhằm phục vụ hoạt động vay margin của các CTCK gần đây sẽ giúp đẩy dòng tiền chảy vào thị trường.
Nhận định của ông Andrew Brudenell - Giám đốc thị trường tại Tập đoàn Ashmore đánh giá thị trường Việt Nam là thị trường nhỏ mới nổi mà đang được ưa chuộng, việc tăng trưởng kinh tế được duy trì trong suốt đại dịch, bên cạnh đó là việc ngân sách quốc gia tốt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục mạnh, và đầu tư hạ tầng đang được gia tăng. Dân cư đông cùng với cơ cấu dân số trẻ giúp mang lại triển vọng tốt cho tiêu dùng. Độ sâu và rộng của thị trường đã được cải thiện, ngày càng có nhiều nhà đầu tư cá nhân quan tâm đến đầu tư chứng khoán.