Đại dịch Covid-19 đã tàn phá các thị trường mới nổi - nơi đã chứng kiến dòng vốn hơn 100 tỷ USD chảy ngược ra vào tháng 3. Điều này sẽ lan rộng sự ảm đạm trên khắp thế giới đang phát triển. Tuy nhiên, vẫn sẽ có sự lạc quan hiếm hoi về tương lai ở những nơi như Ấn Độ, Nam Phi và Đông Nam Á.
Nguyên nhân cho sự lạc quan đó? Chính là Trung Quốc.
Trước khi đại dịch xảy ra, tầm ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc đối với sản xuất và thương mại toàn cầu dường như không thể phá vỡ. Ngay cả khi tiền lương tăng đều đặn trên đại lục, các công ty vẫn ngần ngại chuyển hoạt động sản xuất sang nơi khác. Các quốc gia đối thủ đang tìm cách trở thành điểm đến mới cho chuỗi cung ứng, nhưng lại phải cạnh tranh với các mạng lưới đáng gờm đã được xây dựng tại Trung Quốc. Nhiều nước đang phát triển đã bắt đầu tự hỏi, với sự ra đời của tự động hóa, có phải họ sẽ mãi mãi không thể tiến bộ nhờ vào sản xuất?
Giờ đây, mặc dù sự phụ thuộc vào Trung Quốc ngày càng rủi ro hơn, các nhà sản xuất vẫn chưa thể di dời, vì Trung Quốc vẫn là một nơi tương đối dễ dàng để kinh doanh. Nhưng, nếu vì lý do nào đó, sự liên kết bị phá vỡ, những chuỗi cung ứng đó cũng sẽ trở nên rất mong manh . Và tất cả mọi người - các công ty, nhà đầu tư và quan trọng là các nước đang phát triển khác - đã chọn "thoát Trung" đồng loạt vào tháng 3.
Kể từ đó, các nhà hoạch định chính sách của các nước đang phát triển đã tìm cách tận dụng thời cơ này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố với các nhà đầu tư toàn cầu rằng Việt Nam đã sẵn sàng tiếp nhận các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào các dự án mới hoặc chuyển sản xuất của họ từ các nước khác sang Việt Nam.
Trong bài phát biểu thông báo gói kích thích của Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi cũng đã đề cập đến chuỗi cung ứng tới 8 lần. Các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ đang thử mọi cách để lôi kéo các nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Họ đang thiết lập các trung tâm sản xuất dược phẩm mới. Chính phủ cho biết họ đang xây dựng một quỹ đất để cung cấp cho các công ty quan tâm.
Trên khắp thế giới mới nổi, lời giải cho bài toán chuỗi cung ứng là tương tự nhau. Nam Phi cần cải cách thị trường lao động hạn chế, họ đang giữ mức lương chính thức quá cao nên không thể cạnh tranh với Trung Quốc. Các quốc gia châu Phi khác cần hạ thấp các rào cản thương mại với nhau. Philippines cần cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Tất cả những cải cách này là khó khăn về chính trị; không có khủng hoảng Covid-19, những cải cách đó có thể không bao giờ được thông qua.
Nếu phần còn lại của thế giới đang phát triển trở nên cạnh tranh hơn, chắc chắn sẽ có nhiều việc làm hơn cho lượng lớn những người trẻ tuổi thất nghiệp.
Tiềm năng phá vỡ sự độc quyền về sản xuất của Trung Quốc không phải là câu chuyện chi phí. Đại dịch đã không làm xói mòn được lợi thế hiệu quả của Trung Quốc. Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng các công ty đang tìm cách thiết lập chuỗi cung ứng bền vững, an toàn và mạnh mẽ hơn - ngay cả khi chúng kém hiệu quả trong ngắn hạn.
Hãy nhớ lại lý do các công ty theo đuổi chiến lược của "Trung Quốc+1". Họ đang lên kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ. Để thu hút các công ty này, các quốc gia không nhất thiết phải rẻ hơn hoặc hiệu quả hơn Trung Quốc. Nhưng họ cần phải minh bạch và đáng tin cậy hơn. Các quốc gia giành chiến thắng trong cuộc đua này sẽ là những quốc gia có thể thuyết phục các tập đoàn rằng họ là nơi an toàn nhất để kinh doanh.