Theo Bloomberg, nguyên nhân gia tăng hệ thống điện mặt trời ở Việt Nam không phải bắt nguồn từ mục tiêu cắt giảm ô nhiễm than, mà do xu hướng khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo trên thế giới. Tính đến hết năm 2020, số lượng các tấm pin mặt trời được lắp đặt ở Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.
Hiện nay, các tổ chức trên thế giới đang khuyến khích việc sử dụng năng lượng tái tạo bằng việc hạn chế tài trợ vốn cho các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi đi vay vốn cho các dự án điện than mới trong tương lai.
Nguồn: Báo cáo của QHĐ 8 của Viện Năng lượng
Tuy nhiên, việc chuyển đổi ồ ạt sang mô hình năng lượng tái tạo cũng đã khiến Việt Nam gặp phải những vấn đề nan giải trong việc cân bằng giữa lượng điện mặt trời và mạng lưới dự trữ điện quốc gia.
Cụ thể, lượng điện mà các tấm pin mặt trời sản xuất đang dư thừa quá nhiều. Trong khi đó, mạng lưới dự trữ điện ở Việt Nam lại không đủ lớn để có thể dự trữ điện từ những nguồn năng lượng tái tạo này. Hậu quả lượng điện dự trữ để phục vụ vào những lúc cao điểm bị hạn chế, nên việc cắt điện vẫn sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai do không đủ nguồn cung.
Theo kế hoạch Quy hoạch điện 8, Việt Nam đã lên ngân sách 32,9 tỷ USD cho việc mở rộng mạng lưới điện quốc gia tầm nhìn đến năm 2030. Với cơ cấu vốn đầu tư trung bình cho mạng lưới điện khoảng 26%, nghĩa là mỗi năm sẽ cần phải đầu tư nguồn vốn khoảng 3,3 tỷ USD để nâng cấp và xây dựng mạng lưới điện quốc gia.
Bên cạnh đó, Việt Nam không nằm trong số hơn 100 quốc gia cần phải đạt phát thải ròng bằng 0 trong vòng 10 năm tới. So với kế hoạch quy hoạch điện 7, bản dự thảo quy hoạch điện 8 dự tính lượng phát thải khí CO2 sẽ giảm xuống còn 186.45 triệu tấn năm 2025, và xuống mức 246.465 triệu tấn vào năm 2030, tương đương mức giảm 28.57%. Mức giảm này đáp ứng được với mức mà Việt Nam đã cam kết trong báo cáo "Đóng góp quốc gia tự quyết định" (NDC) khi có sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Mặc dù tỷ lệ khí thải nhà kính ở Việt Nam chỉ chiếm 0,7% tổng lượng phát thải khí nhà kính của thế giới, nhưng theo Blommberg, đây là dấu hiệu đáng khích lệ cho những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hạn chế sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch và tăng cường áp dụng các phương pháp năng lượng sạch thay thế.