Samantha Proyrungtong, đồng sở hữu một cửa hàng thực phẩm handmade tại trung tâm thành phố Bangkok, liên tục dán mắt vào màn hình điện thoại với ứng dụng mạng xã hội Facebook hay Line. Samantha dùng những ứng dụng này không phải để tán ngẫu với bạn bè hay người thân, mà để cập nhật đơn đặt hàng của cửa hàng Vivin Grocery. Những ứng dụng trò chuyện này đã đóng vai trò đáng kể trong doanh số bán phô mai, mứt hay rau hữu cơ... của cửa hàng.
Trên khắp Đông Nam Á, hoạt động mua bán giữa người tiêu dùng và các doanh nghiệp trên mạng xã hội đang bùng nổ. Không giống như Hoa Kỳ hay Trung Quốc, nơi hầu hết người tiêu dùng mua sắm qua các nền tảng như Amazon hoặc Alibaba, tại Thái Lan, gần một nửa giao dịch thương mại điện tử diễn ra qua mạng xã hội, các nền tảng trò chuyện như Facebook, WhatsApp, Line.
Vào năm ngoái, kinh doanh qua các nền tảng mạng xã hội chiếm khoảng 44% thị trường thương mại điện tử của Đông Nam Á, theo số liệu của Bain & Co. Thông qua các nền tảng này, khách hàng có thể trao đổi trực tiếp với nhân viên hoặc chính chủ sở hữu của cửa hàng về giá cả, doanh số... từ đó xây dựng mối quan hệ giữa hai bên, thúc đẩy mức độ phổ biến của phương thức giao dịch này.
Việc nhanh chóng áp dụng hoạt động thương mại thông qua mạng xã hội có thể là bài học quý giá cho những "gã khổng lồ" internet như ByteDance Ltd. hay Facebook, những công ty đang cố gắng phá vỡ xu hướng thương mại trên nền tảng truyền thống.
Vào một buổi chiều trong tuần, Proyrungtong nhận được tin nhắn từ khách hàng đặt một chiếc bánh mỳ kẹp thịt vịt. Proyrungtong nhắn tin lại cho biết cửa hàng vẫn còn, xác nhận thanh toán của khách hàng và sắp xếp thời gian để người khách có thể nhận hàng. Tất cả các bước trên đều qua tin nhắn.
"Chúng tôi nhận thấy cần phải thay đổi sang phương thức bán hàng trực tuyến, đồng thời phải có một nền tảng có tính cạnh tranh cao để khách hàng có thể đặt hàng dễ dàng", Proyrungtong chia sẻ. Song, việc quản lý đơn hàng cũng là thách thức lớn. "Bạn cần phải tuyển được người biết cách thu hút khách hàng và hiểu rõ sản phẩm, vì vậy không phải chỉ cần có kênh bán hàng, mà còn phải có người để quản lý kênh đó".
"Đại dịch đã thúc đẩy thương hiệu toàn cầu như Chanel, Louis Vuitton và cả những nhà bán lẻ truyền thống của Thái Lan đăng ký tài khoản bán hàng trên Line, từ đó giúp tăng trưởng lên đến 25% vào năm 2020", Norasit Sitivechvichit, Giám đốc thương mại Line tại Thái Lan.
"Kinh doanh qua các nền tảng mạng xã hội đã trở thành xu hướng mới. Không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tiến hành hoạt động thương mại trên Line, mà còn cả các doanh nghiệp lớn và toàn cầu".
Nguồn: Bain & Co.
Alessandro Cannarsi, chuyên gia Bain & Co. nhấn mạnh: "Các quốc gia Đông Nam Á là khu vực thuận lợi cho mô hình kinh doanh này. Trên thực thế, đây là khu vực có nhóm dân số rất trẻ, hiểu biết về công nghệ và có tinh thần kinh doanh".
Đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực, với hoạt động kinh doanh qua các nền tảng mạng xã hội chiếm 65% trong hoạt động thương mại điện tử của quốc gia. Tại Thái Lan, doanh thu từ kinh doanh qua các nền tảng mạng xã hội tăng từ 3 tỷ USD vào 3 năm trước lên đến khoảng 11 tỷ USD vào năm 2020, bằng một nửa doanh thu thị trường thương mại điện tử của đất nước.
Pimnara Hirankasi, quyền trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu tại Ngân hàng Ayudhya, nhận định: "Việc người bán trực tiếp trả lời câu hỏi của khách hàng sẽ xây dựng mối quan hệ, đồng thời tạo niềm tin cho người mua trước khi quyết định mua hàng".
Natthapatt Sooppapipatt, sinh viên đại học người Thái, 21 tuổi, thường mua quần áo, phụ kiện cho những chú chó của cô từ các cửa hàng nhỏ trên Instagram, bởi cô thích việc có thể giao tiếp với người thật qua ứng dụng này. "Nhận được dạng câu trả lời như 'chúng tôi sẽ liên hệ với bạn' hay 'cửa hàng hiện đang bận' mang cho tôi cảm giác thiếu tin tưởng. Tôi muốn nói chuyện với người có thể hiểu được mong muốn và mối bận tâm của tôi".
Tuy nhiên, không giống như nền tảng thương mại điện tử truyền thống, các nền tảng mạng xã hội không bao gồm hệ thống thanh toán. Vì vậy, khách hàng cần sử dụng phương thức thanh toán khác, chẳng hạn như chuyển khoản ngân hàng hay thông qua các ví điện tử như Amazon Pay, GrabPay...
Sự phổ biến của hoạt động kinh doanh qua các nền tảng mạng xã hội cũng tạo ra những thách thức đáng kể. Theo Sommai Siriudomset, người phát ngôn của Sở Thuế Vụ Thái Lan, các doanh nghiệp hay cá nhân trên nền tảng mạng xã hội có thể đưa ra mức giá rẻ hơn vì không phải bao gồm thuế phí. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn trong việc đảm bảo các cửa hàng hoạt động trên nền tảng mạng xã hội trả đúng số thuế.
Tham khảo: Bloomberg