Trong bối cảnh số ca nhiễm tại Ấn Độ tăng không kiểm soát, con đường phục hồi kinh tế của quốc gia này còn rất dài và khó khăn. Thêm vào đó, Ấn Độ còn đang thiếu các biện pháp tài khóa và tiền tệ, khiến hàng triệu người mất việc làm và rơi vào cảnh nghèo đói, các doanh nghiệp trên bờ vực phá sản.
Theo khảo sát của Bloomberg, GDP trong quý đầu tiên năm tài chính (bắt đầu từ ngày 1/4/2020) của Ấn Độ có thể sẽ giảm 19,2% so với cùng kỳ năm 2019. Đây sẽ là mức suy giảm mạnh nhất của quốc gia này từ năm 1996, và cũng là mức suy giảm tệ nhất so với các nền kinh tế lớn của châu Á.
Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, nền kinh tế Ấn Độ đã trong tình trạng suy thoái do cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng, ảnh hưởng đến các khoản vay mới và gây thiệt hại cho tiêu dùng, vốn chiếm khoảng 60% GDP của quốc gia.
Việc đóng cửa nền kinh tế từ giữa tháng 3 để ngăn chặn đại dịch là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế. Các doanh nghiệp đóng cửa, hàng triệu công nhân rời thành phố để về quê. Khảo sát của Bloomberg cho biết, điều này khiến Ấn Độ chứng kiến sự sụt giảm GDP hàng năm lần đầu tiên trong hơn bốn thập kỷ, ở mức giảm 5,6%.
Rahul Bajoria, một nhà kinh tế của hãng tài chính Barclays cho rằng việc đóng cửa đã giáng một "đòn mạnh chưa từng có đối với nền kinh tế".
Ông nói thêm: "Chính phủ đã áp dụng các biện pháp đóng cửa nền kinh tế trong suốt tháng 4 và tháng 5, nhiều bang đã kéo dài thời gian đóng cửa nền kinh tế trong suốt tháng 6. Khu vực kinh tế nông thôn, chi tiêu chính phủ và tiêu dùng hàng hóa thiết yếu có thể sẽ là những lĩnh vực duy nhất có thể vớt vát được sự suy giảm".
Theo Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI), các dịch vụ vận tải, khách sạn, giải trí và các hoạt động văn hóa bị ảnh hưởng nặng nề. Trong báo cáo thường niên, RBI chỉ ra rằng: "Cú sốc về nhu cầu nghiêm trọng đến mức sẽ mất khá nhiều thời gian để "hàn gắn" và lấy lại động lực như ở giai đoạn trước Covid-19".
Theo phân tích của Bloomberg, một số lĩnh vực như nông nghiệp, dịch vụ công nghệ thông tin và chi tiêu chính phủ đã ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, dự báo cho thấy GDP quốc gia này vẫn sẽ giảm mạnh.
Chuyên gia kinh tế Abhishek Gupta nhấn mạnh: "Ấn Độ đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi các dữ liệu có mức độ chắc chắn thấp, dẫn đến các báo cáo lạm phát và sản xuất công nghiệp trong tháng 4 và tháng 5 không đầy đủ. Bên cạnh đó, hoạt động trong khu vực phi chính thức của Ấn Độ rất lớn, chiếm gần một nửa GDP, do vậy khó có thể đánh giá chính xác về mức tăng trưởng".
Trưởng ban kinh tế HSBC Holdings Plc tại Mumbai, bà Pranjul Bhandari nhận định: "Trước mắt, văn phòng thống kê có thể công bố GDP giảm mức 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sau khi khảo sát về khu vực phi chính thức, con số này có thể lên đến 25%".
Nền kinh tế Ấn Độ ngày càng xấu đi một phần do sự hạn chế trong các gói hỗ trợ tài chính. Phần lớn các gói kích thích đều do Ngân hàng Trung ương triển khai. Cụ thể, RBI đã hạ lãi suất repo tổng cộng 115 điểm cơ bản kể từ tháng 2/2020 và tăng cường thanh khoản. Tuy nhiên, trong tình hình lạm phát cao hơn mục tiêu của Ngân hàng Trung ương, Ngân hàng có thể đang ở giai đoạn cuối trong chu kỳ nới lỏng, không còn nhiều khả năng kéo dài các biện pháp hỗ trợ.
Đồng thời, Ấn Độ vẫn tồn tại những vấn đề liên quan đến cơ cấu - từ khu vực ngân hàng đang gặp khó khăn cho đến nợ công cao - sẽ khiến các nguồn lực của Chính phủ không thể ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện tại.
Chuyên gia kinh tế tại TS Lombard, bà Shumita Sharma Deveshwar cho biết: "Hiện nay, điều đáng lo ngại đó là sự gãy đoạn trong cấu trúc kinh tế đến từ cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài hơn, từ đó kéo dài thời gian phục hồi nền kinh tế".