Mức tăng mạnh này đang ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng và tác động tiêu cực đến lạm phát vốn đã cao. Những yếu tố này là điều đáng lo ngại đối với Fed và các NHTW khác trên thế giới khi họ nỗ lực kiềm chế lạm phát ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ mà không làm chệch hướng đà hồi phục.
Trong khi các nhà xuất khẩu năng lượng có thể được hưởng lợi từ việc giá dầu tăng phi mã và ảnh hưởng của giá dầu đối với các nền kinh tế không như trước đây, phần lớn thế giới sẽ bị tác động khi các công ty và người tiêu dùng phải chịu gánh nặng mức giá tăng cao. Theo đó, sức tiêu dùng sẽ sụt giảm khi giá thực phẩm, vận chuyển và chi phí sưởi ấm đắt đỏ hơn.
Theo mô hình Shok của Bloomberg Economics, nếu giá dầu thô tăng lên 100 USD vào cuối tháng này từ mức 70 USD vào cuối năm 2021, lạm phát sẽ tăng khoảng nửa điểm phần trăm ở Mỹ và châu Âu trong nửa cuối năm nay.
Thậm chí, JPMorgan còn cảnh báo giá dầu có thể leo lên mức 150 USD/thùng. Điều này gần như sẽ "chặn đứng" đà tăng trưởng toàn cầu và khiến lạm phát tăng vọt lên hơn 7%, gấp hơn 3 lần so với mục tiêu của hầu hết các nhà hoạch định chính sách tiền tệ.
Giá dầu WTI và dầu thô Brent.
Peter Hooper – trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Deutsche Bank, từng là quan chức Fed lâu năm, cho biết: "Cú sốc giá dầu đã ‘ăn sâu’ vào vấn đề của hiện tại là lạm phát tăng nóng. Do đó, rất có thể tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại đáng kể."
Giá dầu hiện đang cao hơn khoảng 50% so với 1 năm trước. Một phần nguyên nhân là do đợt tăng của giá hàng hóa đẩy giá khí tự nhiên. Một số yếu tố khác tác động đến xu hướng này là: nhu cầu trên thế giới hồi phục sau đại dịch, căng thẳng địa chính trị gia tăng từ phía và tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Có thời điểm, những kỳ vọng về thỏa thuận hạt nhân Iran được gia hạn đã hạ nhiệt thị trường. Tuy nhiên, giá dầu vẫn tiếp tục tăng. Chỉ 2 năm trước, giá dầu đã giảm xuống mức 0.
Nhiên liệu hóa thạch – dầu cũng như than đá, khí đốt tự nhiên, cung cấp hơn 80% năng lượng của nền kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, giá của một rổ chỉ số theo dõi các loại năng lượng này đã tăng hơn 50% so với 1 năm trước, theo công ty tư vấn Gavekal Research.
Cuộc khủng hoảng năng lượng cũng tác động mạnh đến chuỗi cung ứng vốn đang tăng nghẽn. Do đó, phí vận chuyển tăng cao và việc giao hàng các loại nguyên liệu thô, sản phẩm hoàn thiện bị trì hoãn.
Vivian Lau – phó giám đốc công ty logistics Pacific Air Holdings, cho biết khách hàng của bà hiện đang theo dõi sát sao diễn biến giá nhiên liệu. Bà nói: "Giá dầu chắc chắn đang là mối quan tâm lớn. Mức tăng mạnh diễn ra vào đúng thời điểm cước vận chuyển hàng công đã rất cao."
Goldman Sachs dự báo giá dầu chạm mức 100 USD vào quý III. Ngân hàng này ước tính mức tăng 50% sẽ đẩy lạm phát lên trung bình 60 điểm cơ bản, hầu hết các nền kinh tế mới nổi sẽ bị ảnh hưởng.
Các nhà kinh tế học đưa ra nhiều triển vọng khác nhau trong bối cảnh hiện nay. IMF gần đây đã nâng dự báo giá tiêu dùng toàn cầu lên mức trung bình 3,9% đối với các nền kinh tế phát triển trong năm nay, từ mức 2,3% và 5,9% ở các nước mới nổi và đang phát triển.
Dự báo tăng trưởng toàn cầu của IMF.
Trong khi đó, các nhà kinh tế của HSBC cho biết trong báo cáo công bố hôm 4/2: "Với lạm phát ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và những yếu tố không chắc chắn xung quanh triển vọng lạm phát, giá năng lượng sẽ tăng cao hơn nữa khi kinh tế toàn cầu hồi phục."
Trung Quốc – quốc gia xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, cho đến nay ghi nhận mức lạm phát ổn định. Tuy nhiên, nền kinh tế nước này vẫn dễ bị ảnh hưởng vì các nhà sản xuất phải đối mặt với chi phí đầu vào cao và lo ngại về tình trạng thiếu năng lượng.
Khi áp lực lạm phát ngày càng lớn hơn, các NHTW cũng ưu tiên kiềm chế giá tăng cao hơn là hỗ trợ nhu cầu. CPI của Mỹ tăng cao nhất trong 4 thập kỷ đã gây ra những cú sốc cho cả hệ thống, với nhiều người dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất 7 lần trong năm nay.
Trong tháng này, thống đốc NHTW Anh Andrew Bailey cho biết áp lực từ giá năng lượng gia tăng đã thúc đẩy quyết định nâng lãi suất. Trong khi đó, Chủ tịch ECB Christine Lagarde gần đây cho biết giới chức sẽ "cân nhắc" giá năng lượng sẽ tác động đến nền kinh tế như nào khi họ đưa ra các dấu hiệu về việc thắt chặt chính sách. NHTW Ấn Độ cũng nhận định giá dầu chính là một rủi ro.
Rõ ràng rằng, nền kinh tế thế giới không còn ở trạng thái dồi dào nguồn cung dầu như những thập kỷ trước, đặc biệt là những năm 1970, và năng lượng thay thế cũng là một nguyên nhân. Những tác nhân khác xuất hiện trong thời kỳ đại dịch là tiết kiệm hộ gia đình và mức lương cao hơn trong bối cảnh thị trường lao động thiết hụt nhân sự.
Tại Mỹ, sự xuất hiện của ngành công nghiệp dầu đá phiến khiến nền kinh tế nước này vững vàng hơn trước cú sốc nhiên liệu. Khi người tiêu dùng đang trả nhiều tiền hơn cho xăng, thì các nhà sản xuất trong nước lại kiếm được nhiều tiền hơn.
Mark Zandi – nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, ước tính việc giá dầu tăng thêm 10 USD sẽ làm giảm 0,1 điểm phần trăm đối với tăng trưởng kinh tế trong năm tới.
Trong bối cảnh đó, các nhà sản xuất dầu lại đón nhận nhiều tin tốt. Ví dụ, Nga có thể kiếm thêm hơn 65 tỷ USD doanh thu trong năm nay, giúp Điện Kremlin ứng phó trước các lệnh trừng phạt có thể xảy ra trước xung đột với Ukraine. Các nhà sản xuất dầu ở thị trường mới nổi khác cũng được hưởng lợi, cũng như Canada và Trung Đông.
Song, đối với hầu hết người tiêu dùng và các NHTW, thì những gì đang diễn ra là điều đáng lo ngại.
Priyanka Kishore – chuyên gia đến từ Oxford Economics, cho biết: "Việc giá dầu tiếp tục tăng nhanh có thể làm tăng rủi ro đối với một số nguy cơ như suy thoái ở một số quốc gia, đặc biệt là việc chính sách tài khóa đang bị thắt chặt đáng kể. " Bà ước tính, mỗi thùng dầu tăng khoảng 10 USD sẽ khiến tăng trưởng toàn cầu giảm 0,2 điểm phần trăm.
Tham khảo Bloomberg